November 05, 2024 | 00:25 GMT+7

"Ván cờ" dài hạn của Apple: Nhìn lại hành trình đáng nhớ trước thềm vượt định giá 4 nghìn tỷ USD

Bảo Ngọc -

Apple đang trên con đường trở thành công ty đầu tiên đạt định giá 4 nghìn tỷ USD. Nhưng bức tranh tương lai của công ty không phải lúc nào cũng tươi sáng…

Apple được dự đoán là công ty đầu tiên đạt giá trị 4 nghìn tỷ USD.
Apple được dự đoán là công ty đầu tiên đạt giá trị 4 nghìn tỷ USD.

Vào ngày 31/10 vừa qua, Apple báo cáo doanh số chung của hãng tăng 6% trong Quý IV, giành lại ngôi vị công ty có giá trị nhất thế giới sau khi bị Nvidia chiếm mất trong khoảng thời gian ngắn. 

Euronews Next nhận định, Apple đang trên con đường trở thành công ty đầu tiên có giá trị đạt mức 4 nghìn tỷ USD. Một phần bí quyết thành công nằm ở phương pháp định vị sản phẩm độc đáo. 

Thay vì phát minh ra công nghệ laptop cá nhân hay điện thoại thông minh mang tính đột phá sáng tạo, công ty lại tập trung vào sản xuất một số phiên bản cốt lõi được thiết kế tốt, dễ sử dụng và đạt hiệu quả cao. 

Cùng nhìn lại hành trình hình thành và phát triển kể từ khi ra mắt, một số dòng sản phẩm mang tầm ảnh hưởng lớn tới công chúng, và dự đoán bước đi tiếp theo của gã khổng lồ công nghệ. 

LỊCH SỬ CỦA APPLE

Năm 1976, hai nhà sáng lập Steve Jobs và Steve Wozniak cùng nhau tạo nên thương hiệu Apple. Công ty còn có một nhà sáng lập thứ ba, ông Ronald Wayne, nhưng đã bán quyền sở hữu cho bộ đôi Steve ngay sau đó. 

Sản phẩm đầu tiên của Apple là máy vi tính Apple I, được chế tạo ngay trong gara của Steve Jobs. Nhưng thiết bị chưa hoàn thiện cả bàn phím lẫn màn hình. 

Một năm sau, vào năm 1977, Apple II chính thức phát hành. Công ty đạt được thành tựu lớn đầu tiên khi đưa Apple trở thành nhà sản xuất máy tính hàng đầu Hoa Kỳ và tạo nên một trong những màn IPO lớn nhất thời bấy giờ.

Nhưng thành công của Apple đã nhanh chóng lụi tàn sau khi nhà điều hành Steve Jobs dành quá nhiều thời gian và tiền bạc vào sản phẩm mới Apple Lisa. Sản phẩm máy tính để bàn đắt tiền đã không thành công khi ra mắt vào năm 1983. 

Đồng sáng lập Steve Jobs trong sự kiện ra mắt sản phẩm mới của Apple vào năm 2006. 
Đồng sáng lập Steve Jobs trong sự kiện ra mắt sản phẩm mới của Apple vào năm 2006. 

Ngay sau đó, vị lãnh đạo lập tức chuyển trọng tâm sang máy tính Macintosh với mục tiêu thách thức trực diện IBM, công ty dẫn đầu thị trường. Quảng cáo về Macintosh được công bố tại Super Bowl năm 1984 nhấn mạnh thông điệp phá bỏ giới hạn, thể hiện cuộc chiến giành quyền kiểm soát công nghệ máy tính như cuộc đấu tranh của số ít chống lại số đông. 

Tuy nhiên, xung đột giữa ông Steve Jobs và CEO Apple thời bấy giờ John Sculley xoay quanh vấn đề Lisa và Macintosh không đạt kỳ vọng về doanh số đã khiến người hùng của Apple bị Hội đồng quản trị tước bỏ mọi nhiệm vụ. 

Nhà đồng sáng lập rời đi và thành lập công ty mới, NeXT Computers. Đồng sáng lập Wozniak cũng rời đi vì lý do cá nhân. 

Apple vẫn hoạt động tốt cho đến giữa những năm 1990, nhưng rồi lại lâm vào tình trạng gần như phá sản sau khi phải đối mặt với bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các dòng máy tính giá rẻ của Microsoft, liên tiếp nhiều sản phẩm ra mắt không thành công, chẳng hạn như máy tính bảng Newton. Đứng trước tình thế khó khăn, Apple quyết định mua lại công ty NeXT và bổ nhiệm ông Steve Jobs làm CEO tạm quyền sau khi Giám đốc Điều hành cũ bị cách chức. Phần còn lại chính là lịch sử, CEO Steve Jobs định hướng Apple tập trung vào mảng kinh doanh máy tính và cứu công ty khỏi phá sản. 

“Công chúng ít nhắc tới giai đoạn này, nhưng khi ông Steve Jobs quay trở lại Apple vào năm 1997, công ty đang ở trong tình thế đặc biệt nguy hiểm. Tại thời điểm đó, công ty vừa mất 50 triệu USD chỉ trong một quý”, ông Tim Danton, Tổng biên tập Tạp chí PC Pro đồng thời là tác giả cuốn sách The Computers That Made Britain, chia sẻ với Euronews Next. 

Một năm sau, vào năm 1998, iMac được giới thiệu tới công chúng và vài năm sau đó, hệ điều hành Mac OS X cũng chính thức phát hành. Cùng năm 2001, Apple phát hành chiếc iPod đầu tiên, tạo dựng danh tiếng của công ty như người dẫn đầu xu hướng công nghệ. 

Tổng biên tập Danton cho biết bí quyết của Apple "chỉ gói gọn trong một từ: thiết kế".

“Apple không bao giờ là cái tên đầu tiên đưa công nghệ ra thị trường, nhưng hãng luôn đảm bảo công nghệ sẽ hoạt động hoàn hảo. Lấy iPod làm ví dụ, máy nghe nhạc MP3 đã ra mắt vài năm, nhưng Apple đã xuất sắc tạo nên một phiên bản “trong mơ”, vô cùng dễ sử dụng đối với nhóm khách hàng không rành về công nghệ”, ông  Danton nói thêm. 

Khoảng thời gian tiếp theo chứng kiến ​​sự ra mắt của iPhone vào năm 2007, App Store và iPad vào năm 2010.  

Năm 2011, nhà lãnh đạo tài ba Steve Jobs xin nghỉ phép và bổ nhiệm ông Tim Cook làm CEO mới. Đồng sáng lập Apple qua đời cuối năm đó vì bệnh ung thư tuyến tụy. 

THỜI ĐẠI TIM COOK

Kể từ khi CEO Tim Cook tiếp quản, Apple đã thực hiện điều chỉnh và mở rộng nhiều dịch vụ bao gồm dịch vụ phát trực tuyến Apple TV+ và Apple Music, cũng như dòng thiết bị thực tế hỗn hợp kết hợp thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR), Apple Vision Pro.

Mới đây, Apple cũng gia nhập cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) với bản nâng cấp hệ điều hành iOS 18 và mẫu iPhone 16 sở hữu chip đặc biệt nhằm hỗ trợ tính năng AI.

Trong khi một số đại gia khác như Samsung và Google vội vã tung ra công nghệ AI, Apple lại mất nhiều thời gian nghiên cứu hơn, chiến lược này hoàn toàn có thể hiểu được.

Nhà phân tích công nghệ Paolo Pescatore cho biết: "Apple áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát để đảm bảo mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt hơn, điều này vô cùng quan trọng". 

“Với chiến thuật này, Apple không nhất thiết phải là công ty đầu tiên hoặc theo kịp xu hướng nhất. Tuy nhiên, hãng không thể ngủ quên trên chiến thắng và cần xem xét lộ trình rõ ràng cho danh mục đầu tư khổng lồ hiện tại”, vị chuyên gia nhận định. 

Ông Pescatore dự đoán Apple có thể giới thiệu một số thiết bị mới trong tương lai bao gồm điện thoại gập, kính thông minh cũng như nhẫn thông minh, v.v. 

CEO Tim Cook điều hành Apple từ năm 2011 cho đến nay. 
CEO Tim Cook điều hành Apple từ năm 2011 cho đến nay. 

TƯƠNG LAI CỦA APPLE

Nhìn vào thực tế, CEO Tim Cook đã phần nào giải quyết được những thách thức hiện tại như căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung hay nhu cầu từ thị trường Trung Quốc có dấu hiệu chững lại. 

Nhưng Apple lại gặp phải một số vấn đề khác với cơ quan quản lý châu Âu vì Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) cho phép người dùng thiết bị Apple tại châu Âu có thể tải xuống phần mềm từ bên ngoài App Store. 

Kính Vision Pro cũng chưa chinh phục được công chúng vì đây là sản phẩm thuộc phân khúc đắt tiền và mang lại cảm giác mệt mỏi khi đeo thời gian dài. 

Nhưng nhiều chuyên gia vẫn rất lạc quan về tương lai của Apple.

Ông Danton khẳng định: "Tôi tự tin hơn nhiều về tương lai của Apple so với bất kỳ công ty công nghệ nào khác vì hãng rất giỏi trong việc thu hút người dùng vào hệ sinh thái độc quyền. Mặc dù có một số ít chỉ trích Apple, nhưng nhìn chung đa số đều yêu thích thương hiệu này”. 

Vị Tổng biên tập giải thích rằng một phần do mô hình kinh doanh của công ty không dựa trên yếu tố mang lại cảm giác phiền toái cho khách hàng, như quảng cáo hay xâm phạm quyền riêng tư.

Ông Danton nói thêm: “Apple có thể định vị hãng là thương hiệu quan tâm đến quyền riêng tư, vấn đề này sẽ trở nên rất quan trọng trong thập kỷ tới”. 

Mặc dù một số công nghệ không mang lại hiệu ứng tích cực, gần đây nhất là Vision Pro ghi nhận doanh số chậm hơn dự kiến, ông Danton nhấn mạnh công ty "không ngại chơi trò chơi dài hạn" và "lên kế hoạch cho nhiều năm tới": “Xét cho cùng, chính Apple sẽ định hình tương lai con người”.  

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate