Đây là nhận định của bà Catherine Russell - Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam từ ngày 11-13/11/2022. Chuyến thăm của bà Russell diễn ra vào thời điểm Việt Nam đang đánh dấu 45 năm là thành viên của Liên hợp quốc.
UNICEF ra thông cáo báo chí cho biết bà Catherine Russell đánh giá cao Việt Nam với nhiều thành tựu đã đạt được cho trẻ em, đồng thời kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm giải quyết các thách thức như suy dinh dưỡng và bất bình đẳng, những vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn do COVID-19 và biến đổi khí hậu.
“Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn trong việc đảm bảo trẻ em trên toàn quốc được khỏe mạnh, an toàn, được giáo dục và được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy hết tiềm năng của mình”, bà Russel nói và nhấn mạnh: UNICEF sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ và các đối tác để tất cả trẻ em, đặc biệt là những em dễ bị tổn thương nhất được tiếp cận với các dịch vụ và những hỗ trợ cần thiết.
“Vẫn còn nhiều trẻ em vẫn phải đối mặt với tình trạng đói nghèo và không được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ và các dịch vụ cơ bản, bao gồm cả trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có cha mẹ đi làm xa nhà và trẻ em khuyết tật. Tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn do tác động của đại dịch Covid-19”.
Bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF.
Tại Việt Nam, UNICEF đã và đang hỗ trợ chính phủ đào tạo giáo viên và cải cách chương trình giảng dạy. Những nỗ lực này sẽ giúp trẻ em thích hứng với biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng của các em trong việc kiến tạo các giải pháp.
Bà Catherine Russell cho rằng mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, nhưng ước tính có khoảng 230.000 trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng nặng. Và có tới 90% trẻ bị suy dinh dưỡng nặng không được điều trị, làm cho các em có nguy cơ bị tử vong cao hơn hoặc bị ảnh hưởng suốt đời về thể chất và nhận thức.
Tại Gia Lai, một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số, bà Russell đã đến thăm trung tâm y tế và bệnh viện, nơi trẻ em được khám và điều trị suy dinh dưỡng nặng.
“Tình hình thật đau lòng. Ở Gia Lai, tôi đã gặp một cháu bé mười tháng tuổi mà trông như trẻ sơ sinh vì cháu bị suy dinh dưỡng. Trẻ ngày càng gầy yếu đi vì các em không được ăn đủ dinh dưỡng hoặc không được điều trị. Chúng ta có thể giúp được các trẻ em này, chúng ta có thể làm được và chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa”, bà Catherine Russell nói.
UNICEF đang vận động đưa điều trị suy dinh dưỡng nặng và suy dinh dưỡng mãn tính vào Chương trình bảo hiểm y tế quốc gia và tăng cường trợ cấp trợ xã hội để ngăn ngừa suy dinh dưỡng xảy ra.
Tại Gia Lai, bà Russell cũng đã đến thăm một trường mầm non và gặp gỡ các em nhỏ, phụ huynh và các thành viên khác trong cộng đồng. UNICEF hỗ trợ mạnh mẽ giáo dục mầm non, nền tảng quan trọng cho sự phát triển nhận thức của trẻ. Nhưng vẫn còn nhiều trẻ em nghèo không được học tập hoặc việc học tập hoặc bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Rủi ro khác mà trẻ em phải đối mặt là tác động của biến đổi khí hậu và Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị thiên tai nhất thế giới, bao gồm lũ lụt và sạt lở đất.
Giám đốc Điều hành UNICEF đánh giá cao cam kết của Chính phủ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và những rủi ro mà biến đổi khí hậu gây ra cho trẻ em, đặc biệt ở trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
“Các tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra mối đe dọa chưa từng có đối với sức khỏe, dinh dưỡng, sự sống và phát triển của trẻ em trên toàn thế giới. Đầu tư vào việc nâng cao khả năng thích ứng và khả năng phục hồi là mấu chốt để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu cũng như những bất bình đẳng mà biến đổi khí hậu gây ra trong tương lai”.
Tại Hà Nội, Giám đốc điều hành UNICEF đã hội đàm với các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và Quốc hội cũng như các nhà lãnh đạo khác nhằm thảo luận các vấn đề được đề cập đến trong Kết luận gần đây của Ủy ban Quyền trẻ em cũng như các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến trẻ em.
UNICEF Việt Nam đang vận động để các gia đình nghèo được trợ cấp tiền mặt thường xuyên hơn, nhằm giúp đảm bảo trẻ em trong các gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn được ăn uống đầy đủ, được bảo vệ và giáo dục tốt hơn. Điều này bao gồm tăng cường đầu tư vào các nhân viên công tác xã hội được đào tạo chuyên nghiệp, những người có thể ngăn chặn, bảo vệ, thực hiện các giải pháp can thiệp để giải quyết bạo lực.