July 22, 2024 | 15:56 GMT+7

Văn hóa “hàng Dupe” đe dọa doanh thu ngành xa xỉ phẩm

Băng Hảo -

Dupe (viết tắt của duplica) là một khái niệm dùng để chỉ các sản phẩm có thể mang lại trải nghiệm tương tự như các bản gốc xa xỉ tuy nhiên với một mức giá "nhẹ" hơn rất nhiều...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bản dupe không hẳn là hàng nhái, nó có thể giống bản gốc từ nguyên liệu, màu sắc, thậm chí đến bao bì… nên phiên bản này có chất lượng khoảng 80% - 90% so với bản chính. Sản phẩm dupe phổ biến nhất thường xuất hiện trong lĩnh vực mỹ phẩm, ngoài ra còn có thời trang và các trang thiết bị cao cấp…

Với ngành làm đẹp, dupe ngày nay đã trở thành một văn hóa riêng chứ không chỉ dừng chân ở mức độ trào lưu. Sản phẩm dupe luôn được mong chờ và săn lùng chẳng thua kém gì những sản phẩm gốc. Tài khoản instagram mang tên DupeThat sở dĩ có thể cán mốc 1 triệu lượt theo dõi với độ tương tác mạnh là do nội dung chuyên giới thiệu đến người dùng những sự lựa chọn giá rẻ có độ tương đồng cao với các sản phẩm nổi tiếng trên thị trường.

Tương tự, blog đánh giá mỹ phẩm Templica cũng đã có một mục dành riêng cho các sản phẩm dupe. Sự phổ biến của dupe không chỉ dừng lại ở việc chạy theo xu hướng mà thậm chí còn trở thành kế hoạch phát triển của một số thương hiệu để vừa thu về thắng lợi từ mặt doanh số cũng như đứng vững một chân trong thị trường mỹ phẩm cạnh tranh khốc liệt. NYX Cosmetics, e.l.f Cosmetics hay Colourpop là một trong những cái tên mà phái đẹp đã và đang tìm đến mỗi khi họ muốn sở hữu một trải nghiệm tương tự với các sản phẩm xa xỉ nhưng với mức giá không vượt quá 50 USD.

Với ngành làm đẹp, dupe ngày nay đã trở thành một văn hóa riêng chứ không chỉ dừng chân ở mức độ trào lưu.
Với ngành làm đẹp, dupe ngày nay đã trở thành một văn hóa riêng chứ không chỉ dừng chân ở mức độ trào lưu.

Mặc dù bản dupe mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng nhưng sự tồn tại này vẫn luôn là điểm lấn cấn đối với chính bản gốc mà chúng được lấy cảm hứng để tạo ra. Lằn ranh giữa “truyền cảm hứng” đến “sao chép” hay “đạo nhái” rất mong manh. Đứng ở phương diện các thương hiệu nắm giữ ý tưởng gốc, một sản phẩm được ra mắt là thành quả của cả quá trình đầu tư nghiêm túc về công sức, thời gian lẫn tiền bạc. Do vậy, chẳng ai cảm thấy thoải mái khi chứng kiến đứa con của mình vừa mới chào đời chưa được bao lâu đã nhanh chóng phải chia sẻ sự yêu quý với những “anh chị em song sinh” khác.

Kat Von D – người sở hữu thương hiệu cùng tên đình đám – từng trực tiếp tố cáo Makeup Revolution “vay mượn ý tưởng mà không hỏi trước” khi ra mắt bảng màu tương tự sản phẩm Shade & Light Eye Contour Quad của cô. Chính chủ đã “đăng đàn” và tag thẳng tài khoản của thương hiệu bình dân đến từ Anh này trong bài viết trên Instagram đi kèm cùng hình ảnh so sánh hai sản phẩm để cho thấy mức độ giống nhau cao. Động thái này từ phía Kat Von D đã tạo ra một cuộc “khẩu chiến” trên mạng xã hội, kéo theo hàng loạt bài đăng tương tự từ các thương hiệu khác như Too Faced, Charlotte Tilbury hay Laura Mercier.

Trong ngành thời trang, nghịch lý là một chiếc váy xếp ly kiểu cổ điển mà bạn tìm thấy trong một cửa hàng nào có thể là “bản sao” của chiếc váy trong bộ sưu tập Miu Miu, vì nó chỉ trông gần giống với món đồ của nhà thiết kế, trong khi một chiếc túi Bottega giả từ Zara thì được gọi là hàng nhái. Điều này là do, ngoài các loại vải chất lượng rẻ hơn và công đoạn thủ công rất ít thì chiếc túi Bottega giả giống hệt với bản gốc.

So với “hàng nhái” thì thuật ngữ “bản sao” lại được xã hội và người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn rất nhiều. Vì một bản dupe chỉ là một bản tương tự hoặc trông giống như một sản phẩm của nhà thiết kế, nên chúng không sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, hàng nhái lại đem đến tác động môi trường lớn hơn đáng kể, vì chúng dựa vào chu kỳ thời trang nhanh để theo kịp tốc độ quay vòng nhanh chóng và đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Được thúc đẩy bởi phương tiện truyền thông xã hội, sự quan tâm đến các sản phẩm dupe liên tục tăng lên. 
Được thúc đẩy bởi phương tiện truyền thông xã hội, sự quan tâm đến các sản phẩm dupe liên tục tăng lên. 

Theo The Fashion of Business, trong vài năm qua, “bản sao” của các sản phẩm phổ biến đã đạt đến một mức độ phổ biến mới trong hệ tư tưởng văn hóa. TikTok tràn ngập các video đề xuất các lựa chọn thay thế cho các sản phẩm được quảng cáo rầm rộ như áo liền quần Skims, ví Staud, bộ đồ ngủ Djerf Avenue và áo khoác Miu Miu. Đối với các thương hiệu, việc đối phó với hàng nhái đã bắt đầu trở thành điều không thể tránh khỏi.

Hồi tháng 5, gã khổng lồ đồ thể thao Lululemon tổ chức một sự kiện đổi hàng ở Los Angeles. "Hãy mang đến đây bản dupe và đổi nó lấy những chiếc quần Align High Rise Pant 25 màu đen", hãng kêu gọi. Chiếc quần hàng thật của lululemon rất mềm và nhẹ, chúng cũng là sản phẩm bị sao chép nhiều nhất trên TikTok.

Theo bà Nikki Neuburger, Giám đốc thương hiệu của Lululemon, chiếc quần của Lululemon là minh chứng rõ ràng cho văn hóa dupe. Riêng hashtag #lululemondupe đã thu về 180 triệu lượt xem. Với sự kiện đổi bản dupe lấy hàng chính hãng, bà Neuburger tin rằng đây là một cách làm thú vị để tham gia vào văn hóa dupe và chuyển sự chú ý của khách hàng trở lại bản gốc. Địa điểm Los Angeles cũng được lựa chọn một cách có chủ đích. Đó là trung tâm dành cho những người sáng tạo và sáng tạo nội dung. Hãng còn lên kế hoạch tổ chức các sự kiện tương tự ở London, Thượng Hải và Seoul.

Theo giới chuyên gia, sự phổ biến của các bản dupe có thể khiến hàng thật nhanh chóng trở nên lỗi thời. "Vì sao họ phải đầu tư vào một sản phẩm chất lượng cao, trong khi chỉ cần mua bản dupe và được giao hàng miễn phí trong vỏn vẹn 2 ngày", CNN đặt câu hỏi. Còn theo ông James Roberts - chuyên gia nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng tại Baylor University, thói quen mua sắm tùy hứng của người tiêu dùng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu liên tục được tiếp cận với các hàng hóa giá rẻ.

Đến hiện tại, các tranh cãi diễn ra xoay quanh sự tồn tại cạnh tranh giữa bản gốc và bản sao vẫn tiếp tục. Những vụ kiện xung quanh các sản phẩm dupe thường thuộc hai dạng cáo buộc: nghi ngờ sao chép thiết kế và nghi ngờ sao chép công thức. Chúng ta luôn cho rằng đây là vấn đề có thể dùng mắt thường để nhận biết thật giả nhưng khi đứng trước cán cân công lý, sức nặng nghiêng về phe nào hãy còn là câu chuyện hạ hồi phân giải. Bởi lẽ, để chứng minh một sản phẩm dupe sao chép hay đạo nhái ý tưởng cũng không phải là việc đơn giản.

Thói quen mua sắm tùy hứng của người tiêu dùng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu liên tục được tiếp cận với các hàng hóa giá rẻ.
Thói quen mua sắm tùy hứng của người tiêu dùng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu liên tục được tiếp cận với các hàng hóa giá rẻ.

Còn về công thức thì đây lại là một câu chuyện éo le khác khi không có gì gọi là bí mật tuyệt đối. Với mỹ phẩm, theo luật, các nhãn hàng đều phải liệt kê danh mục nguyên liệu theo thứ tự nồng độ từ cao đến thấp trên bao bì. Theo đó, một số phòng lab vẫn có thể dựa trên những thành phần liệt kê trên bao bì để phân tích ngược và tái hiện lại công thức một cách tương đối. Khi nhãn hàng không sở hữu bằng sáng chế cho nguyên liệu hoặc công thức thì việc bị sao chép là chuyện khó có thể ngăn chặn.

Chính những trở ngại trong việc thiết lập và thực thi quyền bảo hộ nhận diện thương hiệu cũng như bất cập trong vấn đề đăng ký bằng sáng chế như vậy mà rất nhiều nhãn hàng buộc phải dựa vào sức mạnh thương hiệu và chất lượng sản phẩm của họ để củng cố mối quan hệ với người tiêu dùng, với hy vọng rằng người tiêu dùng sẽ mua hàng chính gốc thay vì các sản phẩm dupe với giá cả phải chăng hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate