Cụ thể, theo điểm o, khoản 1, Điều 17, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) nêu rõ hành vi bị nghiêm cấm với các tổ chức, cá nhân kinh doanh: “Yêu cầu người tiêu dùng phải mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác như là điều kiện tiên quyết để giao kết hợp đồng với người tiêu dùng”. Điều này đồng nghĩa với việc nạn bán ô tô kiểu “bia kèm lạc” gây nhức nhối thời gian qua sẽ chính thức bị nghiêm cấm.
Dự thảo Luật cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm đối với các tổ chức kinh doanh như: Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ; Quấy rối thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Ép buộc mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn; Yêu cầu thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước; Ngăn cản người tiêu dùng được kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Yêu cầu phải mua sản phẩm, hàng hóa…
Với các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cần lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; yêu cầu bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; sự phối hợp, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được thảo luận tại kỳ họp thứ 4 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào năm sau.
“Bia kèm lạc” là vấn nạn gây bức xúc lâu nay với người tiêu dùng Việt. Đây là hình thức bán xe ô tô mà người mua phải trả thêm một khoản tiền để sở hữu xe. Số tiền này có thể được chi cho các món phụ kiện đi kèm hoặc các chương trình gia hạn bảo hành… nhằm mục đích cuối cùng là nhận xe sớm, thay vì phải chờ đợi như số đông khách hàng khác.
Với một số ít khách hàng, số tiền họ sẵn sàng chi thêm vẫn có ích, phục vụ nhu cầu thực sự của một nhóm thiểu số là sở hữu sớm chiếc xe mơ ước. Tuy nhiên với số đông khách hàng, hình thức bán xe “bia kèm lạc” khiến sự công bằng và minh bạch trong mua bán bị mất đi. Các khách hàng đã đặt xe rất sớm, ngay từ những ngày đầu phải chờ đợi lâu hơn. Trong khi những người chấp nhận chi thêm lại được nhận xe ngay.
Thực tế, vấn nạn bán xe kiểu “bia kèm lạc” không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Tại Mỹ, công ty nghiên cứu thị hiếu người dùng và thị trường có trụ sở tại Mỹ là GfK AutoMobility cho biết theo khảo sát của họ, 80% người mua xe trong tháng 5 và 6 tại nước này phải trả số tiền cao hơn giá đề xuất, trong đó có 34% các khoản phí họ "chưa bao giờ nghe thấy". Kết quả là, 31% người dùng phải mua xe giá cao hơn đề xuất cho biết họ sẽ khuyên người quen không tìm tới đại lý mình từng mua xe. 27% người mua cho hay sẽ không trở lại đại lý nơi mua xe để làm dịch vụ. Tỉ lệ trên ở nhóm khách hàng mua xe đúng giá thấp hơn rất nhiều, lần lượt là 14 và 15%. 25% người dùng cho biết không bao giờ quay lại đại lý nơi mình phải mua xe giá cao hơn thông thường. Tuy nhiên, tại Mỹ Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ có những biện pháp mạnh tay để xử lý các vấn đề này.
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, tình trạng bán xe ô tô kiểu bia kèm lạc mỗi khi xe mới ra mắt là “chuyện như cơm bữa” diễn ra lâu nay, đặc biệt là mỗi khí những mẫu xe hot ra mắt. Đơn cử như Ford Everest 2023 ra mắt cách đây chưa lâu đã gây choáng váng với người tiêu dùng khi có thời điểm giá “lạc” của mẫu xe này đã bị đẩy lên mức 200 triệu đồng.
Một số mẫu xe hot khác cũng từng nổi tiếng với mác bán "bia kèm lạc" có thể kể đến như Toyota Veloz, Hyundai SantaFe/Tucson hay Ford Ranger. Tình trạng mua "bia kèm lạc" đối với Ford Explorer 2022 đã xuất hiện ngay từ khi xe mới ra mắt và vẫn kéo dài sau đó khá lâu. Những khách đặt cọc Explorer 2022 đầu tiên phải chịu mức chênh "bia kèm lạc" lên đến 200-300 triệu đồng. Tương tự như Ford Explorer, hai mẫu xe nhà Hyundai đó là Tucson và SantaFe cũng gây sốt khi được các đại lý chào giá kèm "lạc" từ 50 đến 100 triệu đồng.
Lý do đa phần được các đại lý “bao biện” cho hành vi bán xe kiểu “bia kèm lạc” phổ biến được đưa ra là “khan hàng”, do tình hình dịch bệnh, thiếu chip v.v… Tuy nhiên, nếu Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) trình Quốc hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023), căn bệnh kinh niên khiến thị trường ô tô Việt méo mó trong suốt thời gian qua có thể được giải quyết.