Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định.
Đến nay, các doanh nghiệp có lượng lao động tương đối dồi dào. Những vùng kinh tế trọng điểm như: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương vẫn thu hút FDI tốt, hiện tình trạng thiếu lao động cục bộ chỉ diễn ra ở một vài nơi.
Về nguyên nhân thiếu nguồn nhân lực sau dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu quan điểm, hiện còn một lượng lớn lao động trở về khu vực nông thôn nhưng chưa kịp quay lại nơi làm việc; hoặc không muốn quay lại nơi làm việc vì đã tìm được việc làm phù hợp ở quê nhà.
Cùng với đó, sau khi nghỉ việc, một bộ phận người lao động muốn chuyển sang ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn… Để giải quyết tình trạng thiếu hụt người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang có chính sách đẩy mạnh đào tạo người lao động; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động tìm việc.
Theo các chuyên gia, việc thiếu hụt lao động một phần do tâm lý người dân lo lắng dịch bệnh vẫn chưa thực sự được kiểm soát, dẫn đến việc lao động chưa muốn quay lại đi làm ngay. Do vậy, họ vẫn trú ẩn ở các khu vực an toàn tại các vùng nông thôn, sống cùng gia đình với chi phí sinh hoạt thấp hơn khi ở thành thị, tiết kiệm chi tiêu.
Mặt khác, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều lao động tính đến việc chuyển đổi nghề nghiệp, thay đổi việc làm, đặc biệt là làm các công việc độc lập tại nhà với sự hỗ trợ ứng dụng của công nghệ thông tin như: Buôn bán trực tuyến, kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất hàng thủ công, hoặc theo đuổi mô hình kinh tế hộ gia đình…
Bên cạnh đó, nhiều lao động đã tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để tìm kiếm việc làm mới, hoặc đang tham gia các khoá đào tạo nên chưa có nhu cầu quay trở lại ngay thị trường lao động.
Tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, cục bộ tập trung vào các doanh nghiệp có thâm dụng lao động trong ngành dệt may, da giày… gắn với nhu cầu các đơn hàng tăng. Tuy nhiên, mức lương còn thấp, điều kiện lao động chưa cao, thời gian làm việc dài, khiến các doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, từ nay đến cuối năm, nhu cầu việc làm bán thời gian và toàn thời gian của các đơn vị, doanh nghiệp tăng lên. Nhu cầu tuyển dụng dự báo tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước.
Dự kiến trong quý 4/2022, số lượng việc làm tại Hà Nội đáp ứng cho khoảng 4,1 triệu lao động, tăng 2,5% so với cùng kỳ 2021. Nhu cầu tuyển dụng khoảng 100.000 - 120.000 lao động do nhu cầu doanh nghiệp tăng mạnh, sinh viên từ nhiều nơi về nhập học tại Hà Nội, nhiều lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp.
Theo ông Thành, sau đại dịch, thu nhập của người lao động tăng do doanh nghiệp ưu tiên tăng lương giữ chân người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi. Do đó, nếu chế độ tiền lương không đảm bảo thì doanh nghiệp sẽ rất khó tuyển dụng được lao động.
Nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực lao động, việc làm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đánh giá, thị trường lao động hiện nay đang trên đà phục hồi tốt và dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới đây.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo bà Hương cần chia ra các nhóm ngành nghề phục hồi, nhóm ngành nghề đầu tàu, qua đó có những giải pháp, định hướng đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, để nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu của những ngành nghề trên.
Mặt khác, việc dịch chuyển lao động vào khu công nghiệp đã hết thời, vì thế vị chuyên gia cho rằng, cần phân bổ doanh nghiệp đến chân người lao động tại các địa phương. Theo đó, mỗi địa phương cần xây dựng đề án, chú trọng vào việc đẩy mạnh, phát triển, cung ứng đủ lao động theo nhu cầu của thị trường, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội tại địa bàn.