Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2021 của SJC nêu: Ban Tổng giám đốc đã thực hiện đánh giá về tác động tổng thể của tình hình đối với hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các ảnh hưởng về tài chính, bao gồm khả năng thu hồi nợ và nhận thấy dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới công ty.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc không thể ước tính được một cách hợp lý các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến báo cáo tài chính cho năm tài chính 2021.
LÃI MỎNG
Năm 2021, SJC đạt 17.689 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 25% so với năm 2020 và chỉ nhỉnh hơn mức đáy năm 2014 (16.000 tỷ đồng).
Sau khi trừ đi giá vốn, lãi gộp của SJC ở mức 131,16 tỷ đồng, biên lãi gộp đạt 0,74%, giảm so với mức 1,1% của năm 2020. Biên lợi nhuận gộp của SJC là rất thấp nếu so với PNJ, doanh nghiệp kinh doanh vàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán (thường ở mức 18%-19%).
Doanh thu cao nhưng lãi mỏng là tình trạng đã duy trì hàng chục năm ở SJC. Từ năm 2012 đến nay, biên lãi gộp của SJC chỉ dao động quanh mức 0,7-0,8%. Nguyên nhân chính thường được chỉ ra là do SJC chủ yếu bán buôn vàng miếng chứ chưa phát triển mạnh mảng bán lẻ vàng trang sức như PNJ.
Báo cáo tài chính 2021 cho biết hiện nay SJC có 1 xí nghiệp sản xuất nữ trang và 17 cửa hàng kinh doanh nữ trang hạch toán phụ thuộc. Tuy nhiên, thuyết minh báo cáo tài chính không nêu rõ cơ cấu doanh thu của SJC có bao nhiêu đồng đến từ kinh doanh trang sức, bao nhiêu đến từ hoạt động kinh doanh vàng miếng?
Trong kỳ, SJC cũng ghi nhận hơn 6 tỷ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi.
Về chi phí, năm 2021, SJC tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng (52,83 tỷ đồng xuống còn 33,19 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm hơn 34% từ 102,92 tỷ đồng xuống 67,71 tỷ đồng).
Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế năm 2021 của SJC đạt 56,4 tỷ đồng, giảm 22,51% so với mức 74,7 tỷ đồng năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu là 2,82%.
DÒNG TIỀN KINH DOANH ÂM
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của SJC tăng nhẹ từ 1.649 tỷ đồng đầu năm lên 1.668 tỷ đồng khi kết thúc năm tài chính 2021. Trong đó, phần lớn tài sản nằm ở hàng tồn kho (1.166 tỷ đồng, chiếm 70,7%), đầu tư tài chính dài hạn 155,48 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2021, SJC có 167,92 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm đáng kể so với đầu năm (221,53 tỷ đồng).
Kết thúc năm 2021, nợ phải trả của SJC là 138,5 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn như người mua trả tiền trước hơn 42 tỷ đồng và hơn 46 tỷ đồng công ty đã thu của cán bộ công nhân viên và các cá nhân khác để ứng tiền cho Công ty TNHH Sản xuẩ Thương mại Tân Nhã Vinh xây dựng hạ tầng khu dân cư ở Quận 12.
Nợ dài hạn của SJC là 7,2 tỷ đồng, nợ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Công ty hầu như không có nợ vay tài chính.
Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của SJC âm hơn 46 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản phải thu và hàng tồn kho tăng lên.
Kết thúc năm 2021, quy mô vốn chủ sở hữu của SJC ở mức 1.529 tỷ đồng, 100% thuộc sở hữu nhà nước, do UBND TP Hồ Chí Minh quản lý.
Vào tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa đến hết năm 2020, trong đó, SJC thuộc nhóm các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn.
Tuy nhiên, đến nay tiến trình cổ phần hoá tại SJC vẫn chưa hoàn tất.