Vaccine ngừa Covid-19 đã được phê chuẩn và bắt đầu được triển khai tại một số quốc gia, mở ra cho thế giới một lối thoát tiềm năng khỏi đại dịch đã kéo dài 1 năm qua. Điều này gây bất lợi cho giá vàng - một kênh đầu tư an toàn truyền thống.
Một câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra lúc này: Liệu vàng có còn cơ hội tăng giá trong 2021?
ETF MUA MẠNH, ẤN-TRUNG TRẦM LẮNG TRONG 2020
Hôm 30/11, giá vàng thế giới đã rớt xuống đáy của 5 tháng ở 1.790 USD/oz, trượt 13% so với mức kỷ lục mọi thời đại 2.069 USD/oz thiết lập hôm 6/8. Đầu giờ sáng ngày thứ Hai (14/12) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.837 USD/oz.
Giá vàng khởi động năm 2020 ở mức 1.528 USD/oz, và sau đó đã được đẩy lên cao bởi nỗi sợ hãi mà Covid-19 phủ lên thị trường tài chính toàn cầu. Dù chững lại gần đây, giá vàng hiện vẫn tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu năm.
"Xu hướng tăng giá của vàng trong năm nay chủ yếu do dòng vốn chảy mạnh vào các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF)", Chủ tịch Masayo Kondon của công ty Commodity Intelligence ở Tokyo, nói với tờ báo Nikkei Asian Review.
Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ETF đã mua ròng hơn 916 tấn vàng trong 11 tháng đầu năm, mạnh nhất từ trước đến nay, phá vỡ kỷ lục cũ là lượng mua ròng 646 tấn trong cả năm năm 2009 - khi thế giới vật lộn với khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ. Các ETF trên toàn cầu hiện nắm 3.793 tấn vàng.
Trước khi bán ròng 107 tấn vàng trong tháng 11, các ETF nắm 3.900 tấn vàng, một con số cao chưa từng thấy.
Đối lập với nhu cầu vàng sôi động của các ETF, hai thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ ở trong tình trạng trầm lắng trong năm nay. Đại dịch, phong tỏa và hạn chế khiến nhiều cặp đôi phải trì hoãn đám cưới và nhiều hoạt động hội hè bị gác lại, theo đó gây suy giảm nhu cầu vàng nữ trang tại hai quốc gia này.
Diễn biến giá vàng quốc tế có sự thay đổi quan trọng vào tháng 11 vừa qua, khi hai hãng dược Mỹ là Pfizer và Moderna bắt đầu xin cấp phép vaccine Covid-19, sau khi kết quả thử nghiệm cho thấy hai loại vaccine đạt hiệu quả ngừa bệnh 95%. Thông tin này làm dấy lên hy vọng về một lối thoát cho thế giới khỏi Covid-19. Giới đầu tư toàn cầu hồ hởi, các chỉ số chứng khoán tăng không ngừng, như Dow Jones của chứng khoán Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 30.000 điểm, Nikkei của chứng khoán Nhật đạt đỉnh 29 năm.
Song song với việc mua vào những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu, nhà đầu tư cũng bắt đầu bán mạnh những "vịnh tránh bão" như vàng. Ngoài ra, tình hình chính trị và vị thế tài chính của Chính phủ Mỹ cũng được cho là những nhân tố có ảnh hưởng đến giá vàng.
Chiến lược gia Miyoko Nakashima thuộc Mizuho Securities, nói rằng kế hoạch của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden về chi 7 nghìn tỷ USD để kích cầu nền kinh tế sẽ có lợi cho tăng trưởng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc ông Biden chọn cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Janet Yellen cho cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính có thể sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa Chính phủ Mỹ và Fed, đồng nghĩa với sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, để trợ lực cho nền kinh tế vượt qua cú sốc mà đại dịch gây ra.
"Ông Donald Trump sẽ không còn khuấy đảo mọi thứ nữa. Sự bấp bênh giảm xuống là một điều tốt cho nền kinh tế", ông Nakashima nói.
Kỳ vọng về sự khởi sắc kinh tế hậu Covid-19 là một nhân tố có thể đẩy giá vàng vào một vòng xoáy đi xuống, nhưng một số nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng của giá kim loại quý này trong năm 2021.
VẪN CÒN CƠ HỘI TĂNG CHO GIÁ VÀNG TRONG 2021?
Giới đầu tư cho rằng dù thế giới đã có vaccine ngừa Covid-19, môi trường vĩ mô thuận lợi cho giá vàng vẫn chưa hề thay đổi: lãi suất vẫn duy trì ở ngưỡng gần 0% tại các nền kinh tế chủ chốt và tiền tiếp tục được bơm mạnh vào các nền kinh tế. Tuần trước, Nhật Bản thông qua gói kích cầu 708 tỷ USD, châu Âu cũng quyết định chi thêm 605 tỷ USD tài sản. Tại Mỹ, các nghị sỹ đang bàn về gói kích cầu trị giá hơn 900 tỷ USD.
"Chúng tôi tin rằng gói kích cầu của Mỹ sẽ được thông qua và sẽ giữ vai trò nền tảng cho sự tăng giá của vàng và bạc", Giám đốc giao dịch kim loại David Meger thuộc High Ridge Futures nói với hãng tin Reuters.
Chủ tịch phụ trách thị trường toàn cầu tại TIAA Bank, ông Chris Gaffney, dự báo: "Giá vàng sẽ tăng cao hơn trong năm tới, nhưng sẽ tiếp tục giằng co trong thời gian từ nay đến hết năm".
Trong một báo cáo ra hôm 13/11, Goldman Sachs khẳng định cấu trúc thị trường thuận lợi cho vàng tăng giá "vẫn còn đó và sẽ duy trì trong năm tới". Theo đó, ngân hàng này duy trì dự báo giá vàng đạt 2.300 USD/oz trong 2021.
Sự suy yếu của đồng USD là cơ sở chính cho dự báo trên của Goldman. Các nhà phân tích của Goldman cho rằng đồng USD sẽ giảm giá 6% trong năm tới.
Chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh của USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác, có lúc trượt về đáy gần 3 năm dưới 90,7 điểm trong tuần trước và hiện dao động quanh ngưỡng 90,9 điểm. Hồi tháng 3, chỉ số này đạt 102 điểm.
Do vàng được định giá bằng USD, nên khi tỷ giá USD giảm, giá vàng thường tăng và ngược lại. Vàng cũng là một tài sản không mang lãi suất, nên môi trường lãi suất thấp có lợi cho giá vàng vì lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, và ngược lại.
Nhà phân tích thị trường vàng Koichiro Kamei cho rằng bấp bênh chính trị ở Mỹ có thể vẫn duy trì sau khi ông Biden lên cầm quyền. Nhà lãnh đạo đến từ Đảng Dân chủ này có thể sẽ phải làm việc với một Thượng viện với các nghị sỹ Cộng hòa chiếm đa số. Đây là một công thức cho sự bế tắc chính trị, nghĩa là ông Biden sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đưa các dự luật và kế hoạch ngân sách mà ông theo đuổi qua cửa Thượng viện.
Cuộc tiếp quản Nhà Trắng của ông Biden cũng diễn ra khi thâm hụt ngân sách của Mỹ vốn đã lớn lại càng thêm lớn vì các nỗ lực kích cầu nền kinh tế trong đại dịch. Tình trạng thâm hụt kép, bao gồm cả thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai, cộng thêm việc Fed giữ lãi suất gần 0 sẽ "hỗ trợ xu hướng mất giá của USD", ông Kamei nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sau một năm hạn chế mua nữ trang, nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng ở châu Á có thể bung mạnh trong 2021. Nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu vàng nữ trang, nhất là nữ trang cho đám cưới, sẽ hồi phục.
Theo Goldman Sachs, chênh lệch giữa giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc và Ấn Độ so với giá vàng quốc tế đang dần trở lại ngưỡng trước Covid-19. Ngoài ra, xu hướng tăng giá so với USD của các đồng tiền ở châu Á cũng giúp gia tăng sức mua cho người tiêu dùng ở khu vực này.