Đợt tăng giá vàng gần đây đã dẫn tới việc người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, đổ xô mua vàng tích trữ. Trong bối cảnh như vậy, các vụ lừa đảo bán vàng giả cũng nở rộ ở đất nước tỷ dân.
Trong một thông cáo mới đây, Chính phủ Trung Quốc cho biết hàng nghìn người ở nước này đã bị lừa mua vàng giả, vàng kém chất lượng khi lên mạng để mua vàng 999.
Dạng tinh khiết nhất của vàng thường được gọi là vàng 999 bởi có hàm lượng vàng đạt 99,9%. Trong nhiều trường hợp, vàng đạt chất lượng này cũng được gọi là vàng 24 carat.
“Vàng giả đang trở thành một vấn đề lớn ở Trung Quốc khi người dân đổ tiền tiết kiệm vào vàng”, Giám đốc Shaun Rein của công ty nghiên cứu China Market Research Group nói với hãng tin CNBC.
Trung Quốc đang là quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới, sau khi vượt qua Ấn Độ trong năm ngoái để trở thành nước tiêu thụ nữ trang vàng nhiều nhất - theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Người Trung Quốc mua 603 tấn nữ trang vàng trong năm ngoái, tăng 10% so với năm 2022.
“Nhu cầu vàng lớn, cộng thêm việc nhiều người tiêu dùng và nhà đầu tư Trung Quốc chưa đủ thông thạo để phân biệt vàng 24 carat với vàng kém chất lượng, đã dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ của các vụ lừa đảo”, ông Rein nói thêm.
Thông tin về các vụ lừa đảo vàng đã xuất hiện nhiều trên truyền thông địa phương và các trang web về bảo vệ người tiêu dùng của Trung Quốc như Heimao Tousu.
Một người cho biết đã mua 5 mặt dây chuyền vàng với giá 1.958 nhân dân tệ (280 USD) từ trang thương mại điện tử Taobao và sau đó phát hiện đó là vàng giả bằng cách thử với lửa. Khi tiếp xúc với lửa, vàng giả sẽ chuyển sang màu tối hơn và có ánh xanh, trong khi vàng thật càng có màu sáng hơn.
Một người khác phàn nàn về việc mua phải một sản phẩm vàng giả từ trang thương mại điện tử Pinduoduo. Khi đến tay người này, sản phẩm đó đã bị han rỉ. Người mua mang sản phẩm tới một tiệm trang sức để thử, và được cho biết đã mua phải vàng giả.
Trong nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng trước sự tràn lan của vàng giả, vàng kém chất lượng, Chính phủ Trung Quốc mới đây đã công bố hướng dẫn nhận diện trang sức vàng thật.
Các biện pháp được chia sẻ bao gồm nghe tiếng rơi khi thả món trang sức xuống nền nhà hoặc dùng axit nitric để nhỏ lên sản phẩm. Nếu giọt acid làm xuất hiện màu xanh, thì sản phẩm vàng đó được làm bằng kim loại thường hoặc được mạ vàng. Nếu không có sự chuyển màu, sản phẩm đó là vàng thật - theo hướng dẫn.
Ngoài ra, người tiêu dùng quen thuộc với vàng có thể nhận diện vàng giả thông qua cảm nhận về trọng lượng của sản phẩm vàng trong tương quan với kích thước của sản phẩm - theo nhà sáng lập Nikos Kavalis của công ty nghiên cứu và tư vấn về kim loại quý Metal Focus.
“Tuỳ vào thiết kế, có thể phát hiện trang sức vàng giả dựa vào độ cứng của sản phẩm. Vàng 999 có độ mềm cao”, ông Kavalis nói. Tuy nhiên, bên cạnh các dấu hiệu nhận biết được truyền miệng và các phương pháp kiểm tra, vẫn khó để biết chắc một sản phẩm vàng là thật hay giả.
“Cách tốt nhất mà một người tiêu dùng có thể làm để bảo vệ mình khỏi hàng giả là mua từ những nguồn uy tín, dù là mua online hay mua trực tiếp”, ông Kavalis nói.
Vàng giả không phải là một hiện tượng mới ở Trung Quốc. Tuy nhiên, dù đang phát triển nhanh, hoạt động bán vàng giả trên mạng ở Trung Quốc vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng tiêu thụ vàng của nước này vì người tiêu dùng Trung Quốc chủ yếu mua vàng tại các cửa hiệu - theo WGC.
“WGC khuyến nghị người tiêu dùng không nên vì mức giá rẻ bất thường mà đánh đổi sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm”, WGC nói trong một email gửi CNBC.