Giá vàng thế giới giảm nhẹ đêm qua và sáng nay (3/7), khi nhà đầu tư đón nhận những tín hiệu trái chiều về lãi suất đến từ số liệu thống kê kinh tế Mỹ và phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ngoài ra, thị trường cũng thận trọng trước khi biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed và báo cáo việc làm tháng 6 của Mỹ được công bố trong tuần này.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 3 USD/oz, tương đương giảm khoảng 0,13%, còn 2.330,2 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm thêm 0,8 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.329,4 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 71,5 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Ba cho thấy thị trường việc làm nước này vẫn nóng. Theo báo cáo, số đầu việc cần tuyển dụng trong nền kinh tế - một thước đo về nhu cầu lao động - tăng thêm 221.000 vị trí trong tháng 5, đạt 8,14 triệu công việc, cao hơn dự báo của giới phân tích.
Chừng nào thị trường lao động Mỹ còn thắt chặt, khả năng Fed sớm giảm lãi suất sẽ bị đẩy lùi, bởi sự khan hiếm lao động sẽ hỗ trợ tốc độ tăng của tiền lương, qua đó đặt ra áp lực lạm phát.
Phát biểu cùng ngày tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang diễn ra ở Sintra, Bồ Đào Nha, ông Powell cho rằng tiến trình giảm lạm phát ở Mỹ đang có bước tiến, nhưng chưa đủ để Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất.
“Chúng tôi đã đạt được một vài tiến bộ trong việc đưa lạm phát về mục tiêu. Dữ liệu lạm phát mới nhất và trước đó cho thấy tiến trình giảm lạm phát đã quay trở lại. Chúng tôi muốn có được sự tin tưởng rằng lạm phát sẽ giảm một cách bền vững về 2% trước khi có thể bắt đầu công việc nới lỏng chính sách”, ông Powell nói.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 61,5% Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Mức đặt cược này đã giảm xuống so với mức hơn 65% của phiên trước, cho thấy triển vọng lãi suất vẫn còn bấp bênh giữa những tín hiệu thiếu rõ ràng.
Để định hình kỳ vọng lãi suất một cách sắc nét hơn, thị trường đang chờ Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 6 vào ngày thứ Tư, và tiếp đó là Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 6 vào ngày thứ Sáu. Ngày thứ Năm, thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh.
“Nhà đầu tư đang rất nhạy cảm với các tin tức liên quan đến lãi suất hay bất kỳ thứ gì liên quan đến chính sách của Fed. Bởi vậy, tôi cho rằng nhà đầu tư đang trong thế ‘chờ xem’”, chiến lược gia Phillip Streible của công ty Blue Line Futures phát biểu.
Giá vàng hiện đã giảm 5% từ mức kỷ lục mọi thời đại khoảng 2.450 USD/oz thiết lập hôm 20/5. Xu hướng tăng của giá vàng năm nay được thúc đẩy bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị gia tăng, xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương, và kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương giảm lãi suất.
“Trên phương diện kỹ thuật, các nhà đầu cơ vàng giá lên đang có ưu thế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo biểu đồ giá vàng hàng ngày, giá vàng đã ở trong xu hướng giảm đã kéo dài 6 tuần”, chuyên gia Jim Wyckoff của Kitco News cho biết.
Theo ông Wyckoff, các nhà đầu cơ vàng giá lên đang đặt mục tiêu đưa giá vàng giao tháng 8 đóng cửa vững chắc trên 2.406,7 USD/oz - là mức cao của tháng 6. Trái lại, các nhà dầu cơ giá xuống muốn giảm giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ 2.300 USD/oz.
“Ngưỡng kháng cự đầu tiên sẽ là 2.350 USD/oz và tiếp đến là 2.360 USD/oz. Ngưỡng hỗ trợ đầu tiên là 2.325 USD/oz và tiếp đó là 2.315 USD/oz”, ông Wyckoff cho hay.