Giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới trong trạng thái giảm, sau khi tăng dữ dội và vượt qua mốc 2.500 USD/oz lần đầu tiên trong lịch sử vào hôm thứ Sáu vừa rồi. Giới chuyên gia lạc quan về triển vọng tăng cao hơn của giá vàng, dự báo về những kỷ lục mới có thể được thiết lập trong năm nay và năm tới.
Lúc hơn 8h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 6 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại New York, tương đương giảm 0,24%, giao dịch ở mức 2.502,7 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 76,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay đã tăng 2,6% trong tuần vừa rồi nhờ kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp tiến hành cắt giảm lãi suất. Tuần này, triển vọng lãi suất Fed được cho sẽ tiếp tục là nhân tố chi phối diễn biến giá vàng.
Sự kiện quan trọng nhất của tuần này là hội nghị thường niên của Fed ở khu nghỉ dưỡng Jackson Hole, bang Wyoming. Vào ngày thứ Sáu, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu được chờ đợi tại hội nghị này, và câu hỏi lớn nhất mà nhà đầu tư đang đặt ra là Fed sẽ giảm lãi suất với tốc độ như thế nào.
Việc Fed giảm lãi suất nhanh và mạnh sẽ có lợi hơn cho giá vàng - một tài sản không mang lãi suất.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược rằng lãi suất quỹ liên bang của Fed sẽ giảm tròn 1 điểm phần trăm so với mức hiện tại, đồng nghĩa rằng trong 3 cuộc họp cuối cùng của năm nay, Fed lần họp nào cũng giảm lãi suất và sẽ có ít nhất một lần giảm 0,5 điểm phần trăm.
Ngoài triển vọng Fed hạ lãi suất, giá vàng còn đang được hỗ trợ bởi rủi ro địa chính trị và chính trị trên toàn cầu, khi tình hình Trung Đông vẫn âm ỉ nóng và Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
So với đầu tư cổ phiếu ở Mỹ, đầu tư vàng mang lại lợi nhuận vượt trội từ đầu năm đến nay. Chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng 16% từ đầu năm, trong khi giá vàng tăng 21%.
Trong một báo cáo công bố hôm thứ Sáu, ngân hàng Commerzbank dự báo Fed giảm lãi suất 3 lần trong thời gian còn lại của năm nay và có thêm 3 đợt giảm nữa trong nửa đầu năm 2025. Như vậy, số lần giảm lãi suất trong khung thời gian đến giữa năm 2025 là nhiều hơn 2 lần so với kỳ vọng trước đây.
“Vì thế, chúng tôi dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng, đạt mức 2.600 USD/oz, vào giữa năm tới. Đến cuối năm 2025, giá vàng có thể giảm về 2.550 USD/oz do lạm phát có thể tăng trở lại và khả năng Fed có thể phải tăng lãi suất trong năm 2026”, nhà phân tích cấp cao Carsten Fritsch của Commerzbank nhận định.
Một số chuyên gia khác thậm chí còn lạc quan hơn. Trưởng chiến lược hàng hóa cơ bản toàn cầu của TD Securities, ông Bart Melek, nhận định với hãng tin Bloomberg rằng nhờ Fed giảm lãi suất, giá vàng có thể đạt mức 2.700 USD/oz trong mấy quý sắp tới.
Phát biểu trên kênh CBS Money Watch, Giám đốc phát triển kinh doanh của sàn vàng American Precious Metals Exchange, ông Patrick Yip, vào tháng trước dự báo giá vàng có thể đạt 3.000 USD/oz ngay trong năm 2025 nếu căng thẳng địa chính trị tiếp diễn, các ngân hàng trung ương hạ lãi suất hoặc/và mua ròng thêm vàng.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia nhận định xu hướng vay nợ để chi tiêu của Chính phủ Mỹ cũng là một động lực quan trọng cho sự tăng giá của vàng.
Ông Phil Carr, trưởng giao dịch kim loại quý tại FXEmpire nhấn mạnh với trang Kitco News rằng có một mối liên hệ chặt chẽ trong lịch sử giữa nợ công của Mỹ và giá vàng.
“Bằng chứng thuyết phục cho thấy trong thời kỳ nợ công của Mỹ tăng vọt từ 5 nghìn tỷ USD vào năm 2000 lên 35 nghìn tỷ USD hiên nay, giá vàng đã tăng gấp 8 lần… Nếu lịch sử lặp lại, giá vàng có thể đạt tới 5.000 USD/oz khi nợ quốc gia của Mỹ chạm mốc 70 nghìn tỷ USD”, ông Carr nói.