September 13, 2024 | 15:13 GMT+7

Vàng nhẫn đạt kỷ lục, vượt ngưỡng 79 triệu đồng

Đan Tiên -

Ngày 13/9, giá vàng nhẫn trong nước của các thương hiệu lớn tăng mạnh, đạt kỉ lục ở mức trên 79 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng miếng SJC vẫn bất động. Trên thế giới, giá vàng giao ngay vượt mức 2.560 USD/ounce…

Cụ thể, cập nhật vào thời điểm 13h30 ngày 13/9, công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 77,8 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra 79,1 triệu đồng/lượng. So với phiên ngày hôm trước, giá vàng nhẫn tăng 500 nghìn đồng/lượng theo cả hai chiều mua/bán.

Tại PNJ, sản phẩm nhẫn tròn trơn 4 số 9 được niêm yết giá mua/bán lần lượt ở mức 77,95 triệu đồng/lượng và 79,1 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 450 nghìn đồng/lượng so với ngày hôm qua.

Tập đoàn DOJI công bố giá mua vàng nhẫn Hưng Thịnh Vượng là 77,9 triệu đồng/lượng, tăng 400 nghìn đồng/lượng. Trong khi giá bán được doanh nghiệp công bố ở mức 79,1 triệu đồng/lượng, tăng 450 nghìn đồng/lượng.

Cũng có mức giá bán ra 79,1 triệu đồng/lượng là sản phẩm nhẫn của công ty vàng Phú Quý, đồng thời mua vào với giá 77,8 triệu đồng/lượng.

Sản phẩm nhẫn Vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu mua vào với giá 77,8 triệu đồng/lượng và được bán ra ở mức 79,08 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn được các thương hiệu duy trì ở mức 78,5 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra 80,5 triệu đồng/lượng với chênh lệch hai chiều là 2 triệu đồng/lượng. Đây là ngày thứ 8 giá vàng miếng SJC đi ngang bất chấp những sự thay đổi của giá vàng trên thế giới.

Trên thế giới, vào lúc 14h00, giá vàng giao ngay đang ở mức 2.566 USD/ounce trong khi giá vàng kỳ hạn đạt mức 2.575,35 USD/ounce. Như vậy, giá vàng thế giới đã tăng 0.37% trong 24 giờ qua, tương ứng với tăng 9.59 USD/Ounce.

 

Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 76,5 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế và phí…), chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế hiện ở mức 4 triệu đồng/lượng.

Các nhà phân tích cho rằng giá vàng thế giới tăng nguyên nhân xuất phát từ việc ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất cơ bản 0,25 điểm %, xuống còn 3,5%. Việc cắt giảm lãi suất của ECB khiến thị trường gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất vào tuần tới sau khi dữ liệu kinh tế báo hiệu tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Theo Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, lạm phát chưa giảm được như mong muốn, nếu Fed cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tuần tới đồng nghĩa với việc Ngân hàng Trung ương Mỹ đang đầu hàng với lạm phát.

Một chiến lược gia khác của BCA Research, bà Roukaya Ibrahim, lại cho rằng nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương là yếu tố quan trọng, là chất xúc tác cho đà tăng giá của vàng. Bà cho rằng, vàng tiếp tục vượt trội so với các mặt hàng khác khi nhu cầu về kim loại quý tăng mạnh, đặc biệt là từ ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi. “Vai trò của kim loại quý như một hàng rào tự nhiên chống lại lạm phát và phá giá tiền tệ. Đồng thời, trong môi trường căng thẳng địa chính trị, vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu.”, bà Roukaya Ibrahim nói.

Một số liệu khác khẳng định triển vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất là báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và số người xin trợ cấp thấp nghiệp do Bộ Lao động Mỹ công bố.

Cụ thể, giá bán buôn tăng 0,2% trong tháng 8 so với tháng trước, phù hợp với dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ ra rằng lạm phát lõi (Core Inflation) tăng nhẹ nhưng lạm phát toàn phần của tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Ngoài ra, số người xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên mức 230.000 người.

Những số liệu này cho thấy lạm phát ở Hoa Kỳ tiếp tục xu hướng giảm, nền kinh tế suy yếu sẽ thúc đẩy Fed cắt giảm lãi suất.

Kết quả thăm dò của hãng tin Reuters cho biết đa số các nhà kinh tế tham gia đều tin rằng Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản. Chỉ có 9 trong số 101 nhà kinh tế dự đoán Fed sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate