Những ngày qua, đồng USD đang trở thành “hầm trú ẩn” được nhà đầu tư ưa chuộng trong bối cảnh bán tháo diễn ra ở hầu khắp các loại tài sản trên thị trường tài chính, từ cổ phiếu đến trái phiếu và tiền ảo.
Sở dĩ như vậy là bởi còn một lý do khác, USD hưởng lợi từ ưu thế lãi suất khi thị trường đang đặt cược vào khả năng Fed có thể nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong lần họp này, thay vì tăng 0,5 điểm phần trăm như dự báo trước đó.
Trái lại, vàng dường như không phát huy được vai trò “vịnh tránh bão” truyền thống, chịu sức ép giảm đồng thời từ triển vọng lãi suất tăng và sức mạnh của đồng USD. Vàng là tài sản không lãi suất và được định giá bằng USD.
Đây là lý do thị trường kim loại quý thế giới vừa trải qua phiên giao dịch tiêu cực nhất kể từ đầu năm đến nay, khi giá vàng giao ngay giảm gần 3% chỉ trong một ngày.
Các chuyên gia cho rằng, áp lực từ thế giới phần nào đó đã khiến giá vàng trong nước liên tục sụt giảm. Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện chấp nhận mua vào vàng SJC ở mức 66,9 triệu/lượng và bán ra ở 67,8 triệu, giảm lần lượt 600.000 đồng giá mua và 700.000 đồng giá bán so với cuối ngày hôm qua. Nếu so với cuối tuần trước, giá vàng miếng tại đây đã giảm tới 1,75 triệu đồng chỉ sau 2 phiên giao dịch.
Tương tự, tại thị trường Tp.HCM, trong vòng 2 ngày, giá vàng miếng SJC đã giảm khoảng 1,3-1,4 triệu đồng/lượng. Nếu tính cả chênh lệch giá mua/bán SJC đưa ra, người mua vàng miếng từ cuối tuần trước đến nay đã chịu khoản lỗ 2 triệu đồng/lượng, tương đương gần 3% giá trị đầu tư.
Tính theo tỷ lệ phần trăm, biên độ giảm giá vàng miếng SJC trong nước tương đồng với thị trường thế giới là điều rất hiếm. Bởi lẽ, trong suốt thời gian qua, giá vàng mặc dù có cùng xu hướng với thế giới nhưng tốc độ điều chỉnh luôn tăng nhanh hơn, ngược lại xuống chậm hơn. Thậm chí, có những phiên vàng SJC trong nước còn tăng ngược chiều thế giới. Điều này khiến chênh lệch giá vàng thương hiệu này ở trong nước và thế giới từ chỗ chỉ khoảng 3 triệu đồng/lượng vọt lên mức 20 triệu đồng/lượng.
Thêm một điểm đáng chú ý, giá vàng giảm mạnh chỉ đổi với vàng SJC, trong khi giá vàng trang sức tiếp tục ổn định quanh mốc 54 – 55 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua vào và bán ra.
Những diễn biến đáng chú ý trên diễn ra trong bối cảnh giá vàng SJC rất được một số đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp lần này. Theo đó, nhiều đại biểu tỏ ra quan ngại trước diễn biến không bình thường của giá vàng SJC nhất là đầu năm 2022, khi chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, có lúc trên 20 triệu đồng/lượng.
Đồng thời, trong Nghị quyết mới đây, một trong các yêu cầu được Chính phủ đưa ra là quản lý chặt chẽ thị trường vàng. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo Nghị định 24/2012 của Chính phủ.
Trong đó, yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh vàng, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô.
Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm trên thị trường vàng, Chính phủ yêu cầu phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan để sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) liên quan việc quản lý và vận hành thị trường vàng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.
Trao đổi với báo chí, một chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường đang chịu ảnh hưởng tâm lý trước thông tin Ngân hàng Nhà nước có thể chấn chỉnh tình trạng độc quyền vàng SJC sau khi các đại biểu Quốc hội chất vấn.
Theo ông này, do quy mô thị trường vàng SJC ngày càng thu hẹp nên khi cung cầu thay đổi sẽ tác động lớn đến giá vàng. Thị trường đang ghi nhận nhu cầu bán vàng nhiều hơn nên giá vàng SJC giảm mạnh là điều dễ hiểu. Trong thời gian tới, chắc chắn chênh lệch giá vàng SJC trong nước và thế giới sẽ thay đổi đáng kể.
Thực tế cho thấy, sau đợt giảm giá trên, từ mức vênh 20 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng bán lẻ trong nước chỉ còn cao hơn khoảng 16,7-16,8 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.