Giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (7/5), hoàn tất tuần tăng mạnh nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. Chất xúc tác cho giá vàng phiên này là tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng trượt giảm sau báo cáo việc làm không đạt kỳ vọng.
Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (8/5) nhảy qua ngưỡng 56 triệu đồng/lượng, trong khi giá USD thị trường tự do tiếp tục xu hướng giảm.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 16 USD/oz, tương đương tăng 0,9%, chốt 1.831,7 USD/oz. Tính cả tuần, giá vàng tăng khoảng 3,7%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất từ đầu tháng 11.
Báo cáo từ Bộ lao động Mỹ cho biết khu vực phi nông nghiệp của nước này chỉ có thêm 266.000 công việc trong tháng 4, thay vì 978.000 công việc như dự báo của các nhà phân tích. Ngoài ra, số liệu việc làm mới trong tháng 3 cũng được điều chỉnh giảm còn 770.000 công việc, thay vì 916.000 công việc như báo cáo lần đầu.
Số liệu này làm giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm thu hẹp chương trình mua tài sản hoặc sớm nâng lãi suất trở lại. Ngoài ra, thị trường việc làm còn yếu cũng là cơ sở để giới đầu tư thêm phần tin tưởng rằng Tổng thống Joe Biden có thể thuyết phục được lưỡng viện Quốc hội ủng hộ hai gói chi tiêu với tổng trị giá hơn 4 nghìn tỷ USD dành cho hạ tầng và giáo dục.
Sau khi báo cáo việc làm được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc trượt về mức đáy của 2 tháng ở 1,469%, rồi hồi trở lại mức 1,579% vào thời điểm đóng cửa.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm 0,73%, chốt phiên ở mức 90,23 điểm. Cả tuần, chỉ số này giảm khoảng 1,2%.
Do vàng là một tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng USD, nên vàng thường tăng giá trong môi trường lãi suất giảm và đồng USD mất giá, và ngược lại.
“Số liệu việc làm hoàn toàn không đạt kỳ vọng, nên lợi suất chịu áp lực giảm và chỉ số Dollar Index tụt dưới ngưỡng hỗ trợ, cho phép giá vàng tăng vọt”, chiến lược gia Phillip Streible của Blue Line Futures nhận định với hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, theo ông Streible, xu hướng tăng của giá vàng có thể bị chặn lại nếu số liệu việc làm công bố vào tháng tới là một con số khả quan khiến lợi suất và tỷ giá đồng USD tăng trở lại.
Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda thì cho rằng đà tăng trong ngắn hạn có thể đưa giá vàng lên ngưỡng 1.857 USD/oz, và ngưỡng kháng cự tiếp theo có thể là 1.925 USD/oz. Tuy nhiên, ông Moya cũng nói rằng nhu cầu vàng vật chật sụt giảm ở Ấn Độ trong bối cảnh Covid-19 hoành hành có thể là một nhân tố gây áp lực giảm lên giá vàng.
Trong nước, giá vàng miếng trong nước sáng nay tăng khoảng 200.000 đồng/lượng so với sáng qua, nâng tổng mức tăng trong tuần lên 550.000 đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn DOJI là 55,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,15 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,65 triệu đồng/lượng và 56,1 triệu đồng/lượng.
Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác tăng từ 50.000-200.000 đồng/lượng tuỳ theo niêm yết của từng doanh nghiệp.
Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá mua vào là 52 triệu đồng/lượng và bán ra là 52,65 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá tương ứng là 52,31 triệu đồng/lượng và 52,86 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 5 triệu đồng/lượng. Tuần này, chênh lệch giá vàng miếng với giá thế giới rút ngắn 1 triệu đồng/lượng, do giá vàng trong nước tăng chậm hơn so với thế giới.
Giá USD tự do tại Hà Nội phổ biến ở mức 23.390 đồng (mua vào) và 23.440 đồng (bán ra), giảm tương ứng 10 đồng và 20 đồng. Trong 3 ngày liên tiếp, giá USD tự do đã giảm khoảng 210 đồng.