November 30, 2020 | 11:30 GMT+7

Vàng thế giới tiếp tục “cắm đầu”, trong nước tuột mốc 54 triệu đồng/lượng

Diệp Vũ

Giảm theo thế giới, giá vàng miếng sáng nay mất 700.000 đồng/lượng, sau khi sụt gần 1,5 triệu đồng/lượng trong tuần trước

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giữ đà giảm của tuần trước, giá vàng thế giới tụt mạnh ngay khi mở cửa tuần mới trong phiên sáng nay (30/11) tại thị trường châu Á. Giá vàng trong nước trượt theo và đã để mất mốc 54 triệu đồng/lượng.

Giá USD tự do đi ngang sau khi tăng mạnh vào cuối tuần, trong khi giá USD tại một số ngân hàng thương mại sụt giảm.

Lúc gần 11h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 53,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 53,9 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 53,35 triệu đồng/lượng và 53,9 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

So với sáng thứ Bảy, giá vàng miếng bán lẻ hiện giảm 750.000 đồng/lượng tại DOJI và giảm 650.000 đồng/lượng tại SJC.

Cú giảm này diễn ra sau khi vàng miếng đã "bốc hơi" gần 1,5 triệu đồng/lượng trong tuần trước.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 4,3 triệu đồng/lượng.

Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác cũng đồng loạt giảm sáng nay, với mức giảm 200.000-300.000 đồng/lượng.

Nhẫn tròn trơn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá 52,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 53,1 triệu đồng/lượng (bán ra). Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá tương ứng lần lượt là 52,46 triệu đồng/lượng và 53,16 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 11h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.772,9 USD/oz, giảm 15,8 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại New York. Trong phiên ngày thứ Sáu tại Mỹ, giá vàng sụt hơn 1,2%, nâng tổng mức giảm của cả tuần lên hơn 4%.

Giá vàng thế giới tiếp tục “đổ đèo”, trong nước tuột mốc 54 triệu đồng/lượng - Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng miếng SJC mua vào và bán ra tại DOJI trong 1 tuần trở lại đây - Nguồn: DOJI.

Theo hãng tin Reuters, tháng 11 này đang trên đà trở thành tháng giảm giá tồi tệ nhất 4 năm của vàng. Từ đầu tháng, giá vàng quốc tế đã giảm 5,9%, tiến tới hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016.

"Sự lạc quan dựa vào vaccine ngừa Covid-19 đang xói mòn sức hấp dẫn của những tài sản an toàn như vàng. Việc ngưỡng hỗ trợ chủ chốt 1.800 USD/oz bị xuyên thủng khiến giá càng giảm mạnh hơn", chiến lược gia Michael McCarthy thuộc CMC Markets phát biểu trên Reuters.

Vàng sụt giá bất chấp đồng USD trên thị trường quốc tế đang rớt giá mạnh. Lạc quan về vaccine đã đẩy chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, về mức thấp nhất hơn 2 năm. Sáng nay, chỉ số này dao động quanh ngưỡng 91,7 điểm.

Trái lại, thị trường chứng khoán toàn cầu đang tiến tới hoàn tất tháng một tăng điểm kỷ lục.

Phiên sáng nay, tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư gia tăng thêm khi dữ liệu cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 11 tăng mạnh nhất trong hơn 3 năm.

Tuần này, tâm điểm chú ý của giới đầu tư sẽ là phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước Quốc hội. Thông tin được tìm kiếm sẽ là những dấu hiệu về đường đi của chính sách tiền tệ Mỹ trong thời gian tới.

"Rủi ro nằm ở việc Fed có thể giảm tốc hoặc dừng hẳn chương trình mua trái phiếu. Đó là một lý do nữa để thận trọng về triển vọng giá vàng", ông McCarthy nói.

Citibank dự báo đợt bán tháo này trên thị trường vàng sẽ dịu bớt trong tháng 12, với ngưỡng hỗ trợ lớn cho giá vàng nằm ở khoảng 1.750 USD/oz. Nếu mốc này không được giữ, giá vàng có thể rớt về 1.700 USD.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.230 đồng (mua vào) và 23.260 đồng (bán ra), không thay đổi so với cuối tuần nhưng tăng 25 đồng so với hôm thứ Sáu. Tại Vietcombank, giá USD niêm yết tương ứng ở mức 23.060 đồng và 23.240 đồng, giảm 20 đồng so với ngày thứ Sáu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate