Giá vàng thế giới tăng khá mạnh trong phiên đầu tuần sáng nay (23/8), nhưng giá vàng trong nước lại tụt giảm ở một số nơi. Giới đầu tư đang trở nên thận trọng trước khi diễn ra hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Jackson Hole trong tuần này.
Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 56,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,45 triệu đồng/lượng (bán ra). Nếu so với sáng thứ Bảy, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này hiện giảm 150.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá mua vào là 50,6 triệu đồng/lượng và bán ra là 51,6 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 56,45 triệu đồng/lượng và 57,15 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối tuần.
Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.725 đồng (mua vào) và 22.925 đồng (bán ra), tăng 10 đồng ở hai đầu giá so với hôm thứ Sáu.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.788,6 USD/oz, tăng 6,9 USD/oz, tương đương tăng gần 0,4%, so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 49,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Như vậy, giá vàng SJC bán lẻ đsang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 7,8-8 triệu đồng/lượng.
Vàng tăng giá do đồng USD yếu đi. Sáng nay, chỉ số Dollar Index giảm về ngưỡng 93,3 điểm, từ mức 93,5 điểm chốt phiên ngày thứ Sáu. Trong tuần trước, có lúc chỉ số này đạt mức cao nhất 9 tháng rưỡi ở 93,6 điểm.
Giá vàng đang chật vật dưới ngưỡng 1.800 USD/oz vì chịu sự giằng có của những yếu tố trái chiều.
Một mặt giá vàng chịu áp lực giảm vì khả năng Fed sắp cắt giảm chương trình mua tài sản và xu hướng tăng giá của đồng USD. Tuần trước, giá vàng giao ngay tăng 1 USD/oz, chỉ số Dollar Index tăng hơn 1%.
Mặt khác, giá kim loại quý này được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu và nền kinh tế Mỹ có một số dấu hiệu giảm tốc.
Tuần này, một sự kiện quan trọng đối với thị trường vàng nói riêng và thị trường tài chính toàn cầu nói chung sẽ diễn ra. Đó là hội nghị ngân hàng trung ương thường niên của Fed ở khu nghỉ dưỡng Jackson Hole, bang Wyoming. Do Covid, hội nghị mang chủ đề “Chính sách tiền tệ vĩ mô trong một nền kinh tế không đồng đều” sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, vào ngày thứ Sáu (27/8).
Tại hội nghị, nội dung đáng chú ý nhất sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về triển vọng kinh tế Mỹ. Giới phân tích sẽ lấy bài phát biểu này làm căn cứ để dự báo về các động thái chính sách sắp tới của Fed, bao gồm thời điểm và tiến độ của việc cắt giảm chương trình mua tài sản.
Tuần vừa rồi, các tổ chức dự báo bắt đầu hạ triển vọng kinh tế Mỹ do làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở nước này. Mức cắt giảm nhìn chung không lớn, nhưng là một sự thay đổi quan điểm của các chuyên gia kinh tế từ sự lạc quan trong nửa đầu năm nay.
“Ảnh hưởng của biến chủng Delta đối với tăng trưởng và lạm phát đang cho thấy có phần mạnh hơn so với những gì chúng tôi dự kiến trước đây”, một báo cáo của Goldman Sachs nhận định. Ngân hàng này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ 2021 về 6% từ 6,4% trước đó.
Nhu cầu vàng vật chất tại thị trường châu Á yếu đi trong tuần trước, do giá vàng bán lẻ tại các thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ tăng. Ngoài ra, tháng 8 hàng năm cũng là giai đoạn ảm đạm của thị trường vàng tại châu Á.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết đã bán ròng hơn 3 tấn vàng trong phiên ngày thứ Sáu, tương đương cắt giảm nắm giữ 0,3%, còn 1.011,61 tấn vàng.