Giá vàng thế giới giảm khi khởi động phiên giao dịch đầu tuần sáng nay (13/2) tại thị trường châu Á, trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng trước khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát vào ngày mai. Trong nước giá vàng miếng đi ngang hoặc tăng nhẹ, chênh lệch khoảng 14 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế.
Lúc gần 10h trưa, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.862,5 USD/oz, giảm 4 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,2%, so với đóng cửa phiên cuối tuần trước ở New York – theo dữ liệu từ Kitco.
Mức giá này tương đương khoảng 53,3 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Cùng thời điểm trên, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,35 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng thứ Bảy.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,05 triệu đồng/lượng và 54,9 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối tuần.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và 67,4 triệu đồng/lượng, đi ngang so với cuối tuần.
Như vậy, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn từ 14,05-14,1 triệu đồng/lượng.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Ba được cho là sẽ có tác động chi phối đường đi của giá vàng trong thời gian tới. Nếu lạm phát cao hơn dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tăng lãi suất lên mức cao hơn và giữ lãi suất cao trong thời gian lâu hơn so với kỳ vọng, từ đó gây áp lực mất giá lên vàng - một tài sản không mang lãi suất.
Ngược lại, nếu lạm phát giảm mạnh hơn dự báo, Fed có thể sớm chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn, và giá vàng sẽ hưởng lợi.
"Dữ liệu CPI có thể khiến vàng bị bán mạnh. Nhưng mặt khác, nếu CPI không phải là một cú sốc lạm phát đủ lớn, vàng sẽ không bị bán nhiều nữa”, chiến lược gia Daniel Ghali của TD Securities nhận định trên Kitco News.
Thị trường đang đưa ra mức dự báo bình quân CPI của Mỹ tăng 6,2% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, từ mức tăng 6,5% của tháng 12. Bên cạnh báo cáo CPI, các dữ liệu khác cần theo dõi trong tuần tới bao gồm doanh số bán lẻ của Mỹ, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) và sản lượng công nghiệp tháng 1 của nước này.
“Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ giảm nhiều hơn so với mức dự báo bình quân, và điều này sẽ giúp tăng giá hàng hóa vì giảm bớt khả năng Fed tăng lãi suất lên cao hơn trong thời gian lâu hơn”, một báo cáo của Capital Economics nhận định.
Với một quan điểm thận trọng hơn, chiến lược gia cấp cao Frank Cholly của RJO Futures nói rằng ngay cả khi báo cáo CPI tiếp tục cho thấy lạm phát đang chậm lại, Fed vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất. “Vàng vẫn còn dư địa để giảm”, ông Cholly nói.
Kinh tế gia trưởng James Knightley của ING cảnh báo rằng các số liệu kinh tế tháng 1 của Mỹ có thể mạnh, và điều này sẽ gây áp lực giảm lên giá vàng. "Dữ liệu về hoạt động kinh tế tháng 1 có thể sẽ mạnh. Sự tương phản giữa thời tiết vào cực kỳ lạnh vào cuối tháng 12 và ôn hoà trong tháng 1 sẽ không thể rõ ràng hơn", dẫn tới sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế - ông Knightley nhận định.
Về phần mình, ông Ghali cho rằng biên độ tiềm năng của vàng khá rộng vào thời điểm hiện tại, với mức hỗ trợ mạnh hiện tại là 1.800 USD/oz và mức kháng cự là 1.900 USD/oz. Vị chuyên gia cho biết ông đang xem xét phạm vi 1.850-1.855/oz. "Các đường trung bình động rất quan trọng. Hiện tại chúng ta đang ở mức 50 ngày. Và mức bình quân 200 ngày là 1.812 USD/oz. Ở đâu đó giữa hai mốc này có sự cân bằng thị trường. Giá vàng sẽ tích luỹ và phục hồi từ các mức đó", ông nói với Kitco News.
Ngoài ra, dữ liệu lạm phát cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá USD, từ đó gây tác động đến giá vàng - tài sản được định giá bằng đồng bạc xanh trong giao dịch trên thị trường thế giới.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt sáng nay khác tăng hơn 0,1% so với chốt tuần trước, dao động gần mốc 103,8 điểm.
Trong nước, Vietcombank báo giá USD ở mức 23.400 đồng (mua vào) và 23.740 đồng (bán ra).