Báo cáo từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ ngày 28/10 cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng 2% trong quý vừa qua, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,7-2,8% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Sự bùng dịch do biến chủng Delta, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, khan hiếm lao động, thị trường việc làm phục hồi chậm, và áp lực lạm phát đã đè nặng lên các hoạt động kinh tế Mỹ trong quý.
Đây là quý tăng trưởng chậm nhất của Mỹ kể từ khi nền kinh tế nước này bắt đầu phục hồi từ đại dịch và là một sự giảm tốc mạnh mẽ nếu so với mức tăng trưởng 6,7% đạt được trong quý 1 năm nay. Nếu không tính đợt giảm chóng mặt của kinh tế Mỹ trong nửa đầu năm 2020 khi phải đóng cửa khi Covid mới trở thành đại dịch, đây là quý tồi tệ nhất của nền kinh tế này kể từ quý 4/2019 – khi GDP tăng 1,9%.
Theo BEA, sự giảm tốc của kinh tế Mỹ quý 3 thậm chí còn lớn hơn cả mức giảm của hoạt động tiêu dùng. Trong quý, tiêu dùng của người Mỹ yếu đi nhiều do không còn những tấm séc kích cầu của Chính phủ.
Tiền lương tăng giúp thu nhập của người Mỹ tăng thêm 47,8 tỷ USD trong quý, ngay cả khi không còn tiền hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, thu nhập khả dụng giảm 29,4 tỷ USD, tương đương giảm 0,7%. Với thu nhập khả dụng đi xuống, người Mỹ tiêu ít hơn vào hàng hoá, đặc biệt là ô tô, cũng như vào dịch vụ - trong đó ảnh hưởng nhiều nhất rơi vào lĩnh vực nhà hàng và khách sạn. Ngoài ra, người Mỹ cũng có tâm lý lo ngại khi đến chỗ đông người vì biến chủng Delta lây lan nhanh trong quý 3.
Thị trường ô tô cũ của Mỹ đặc biệt sôi động trong nửa đầu năm nay và được xem như một bằng chứng rõ nét về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Do thiếu nguồn cung ô tô mới vì cuộc khủng hoảng thiếu chip và linh kiện, người Mỹ đổ xô mua xe cũ, đẩy giá xe cũ tăng vọt. Tuy nhiên, cơn sốt xe cũ đã hạ nhiệt trong quý 3 và thể hiện phần nào qua con số tăng trưởng GDP.
Có một tin tốt là niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã phục hồi trong thời gian gần đây và số ca nhiễm mới Covid-19 cũng đã giảm từ mức cao trong quý 3. Ngoài ra, cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy tiêu dùng khởi sắc dù lạm phát tiếp tục tăng cao. Giới phân tích nói rằng đây là những chỉ báo tốt về kinh tế Mỹ trong quý 4.
“Chúng tôi tin tưởng rằng tình hình quý 4 sẽ tốt hơn nhiều”, chuyên gia kinh tế trưởng James Knightley thuộc ING nhận định. “Những dữ liệu tần suất cao về hoạt động của người tiêu dùng như đi lại bằng máy bay, ăn uống ở nhà hàng và lưu trú tại khách sạn đã tăng lên mức cao hơn trong thời gian từ giữa tháng 9 đến tháng 10 do làn sóng biến chủng Delta dịu đi”.
Tuy nhiên, những gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn chưa được giải quyết. Trong tháng 9, các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng đã khiến sản lượng công nghiệp của Mỹ trì trệ. Trong tháng 10, hàng tỷ USD hàng hoá vẫn đang lênh đênh trên những con tàu chưa thể cập cảng California vì các cảng đều bị tắc.