Đã đến lúc Chính phủ Việt Nam cần xem xét chấm dứt việc lấy mức giá là tiêu chí quan trọng trong lựa chọn nhà đầu tư, Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng (Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - VBF) khuyến nghị.
Như mọi kỳ, sáng 26/6 Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 diễn ra tại Hà Nội tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến về phát triển hạ tầng tại Việt Nam.
Nhận định của nhóm công tác là Việt Nam chi rất nhiều cho cơ sở hạ tầng so với GDP (khoảng 5%), cao thứ hai trong khối ASEAN sau Indonesia. Tuy nhiên, mức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trên đầu người chỉ khoảng 107 USD, chỉ cao hơn Campuchia và Philippines. Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng trong những năm gần đây và đô thị hóa ngày càng tăng (khoảng 36% vào năm 2018) đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải phát triển hơn nữa.
Cụ thể hơn về nhu cầu, báo cáo của nhóm dẫn tính toán của Bộ Giao thông Vận tải ước tính tổng nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam tương đương khoảng 48 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, nhu cầu vốn này bao gồm cả các dự án như đường cao tốc Bắc - Nam, Sân bay quốc tế Long Thành và Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các dự án này đã bị trì hoãn từ lâu và sẽ không xảy ra trong giai đoạn này, đại diện nhóm lưu ý.
Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia VII, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong giai đoạn 2016 - 2030 ước tính đạt xấp xỉ (148 tỷ USD). Con số này có khả năng tăng lên trong quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia VIII.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính rằng Việt Nam sẽ cần trung bình ít nhất 16,7 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2015 - 2025 để tài trợ cho nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Thế giới dự báo con số lên tới 25 tỷ USD mỗi năm, số vốn đầu tư cao hơn nhiều so với mức trung bình trong giai đoạn 2011-2015, nhóm công tác cung cấp thêm thông tin.
Nhưng nợ công đã và đang chạm đến mức trần do Việt Nam đặt ra. Điều này có nghĩa là để phát triển bền vững cơ sở hạ tầng, sẽ cần thêm nguồn vốn đầu tư tư nhân để tài trợ cho các dự án, nhóm công tác của VBF nhấn mạnh.
Sau khi nêu nhu cầu, đại diện nhóm công tác cơ sở hạ tầng điểm qua một số thách thức chính trong phát triển hạ tầng tại Việt Nam mà đầu tiên là thông lệ lựa chọn nhà đầu tư dựa vào giá được chào.
Theo nhận xét của nhóm công tác thì việc lựa chọn các nhà đầu tư tư nhân hiện nay chủ yếu vẫn dựa trên sự cạnh tranh về mức giá thấp nhất thay vì tính đến năng lực kỹ thuật và tài chính thực sự của nhà đầu tư. Trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như giao thông, xử lý chất thải và sản xuất điện, các nhà đầu tư đưa ra chào giá tốt nhất sẽ được lựa chọn, trong khi những nhà đầu tư chú trọng vào năng lực kỹ thuật và tài chính để thực hiện dự án lại không được coi trọng.
Thực tiễn này dẫn đến hệ quả là các nhà đầu tư "giá rẻ" sau khi được lựa chọn thường yêu cầu tăng chi phí đầu tư lên nhiều lần ở các giai đoạn sau của dự án vì giá chào ban đầu thường không đủ. Chính phủ khi đó rất khó từ chối yêu cầu này vì vào thời điểm đó các dự án đều đã trong quá trình xây dựng dở dang, đại diện nhóm công tác nhấn mạnh.
Lưu ý tiếp theo từ nhóm công tác là giá rẻ thường đi đôi với công nghệ chất lượng thấp hơn và thiếu các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
Thách thức nữa được đề cập là việc thiếu minh bạch khi giao dự án và lựa chọn nhà đầu tư cũng khiến các nhà đầu tư có uy tín e ngại khi tham gia đấu thầu. Một ví dụ điển hình là các dự án đường bộ BT đổi đất lấy hạ tầng. Do việc kiểm soát chi phí đầu tư các dự án đường bộ BT không được minh bạch, nhà đầu tư thường được hưởng lợi từ việc được cấp phép các dự án thương mại có giá trị cao hơn chi phí đầu tư thực tế của dự án BT.
Nhóm công tác cũng lo ngại khi Việt Nam không có một quỹ dành riêng để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng. Vốn nhà nước hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng (cả hỗ trợ về chi phí vốn đầu tư xây dựng và ngân sách để thanh toán cho các nghĩa vụ bao tiêu sản phẩm, dịch vụ (ví dụ, xử lý chất thải, cung cấp nước..) vẫn bị coi là vốn đầu tư công theo luật đầu tư công, và được đưa vào ngân sách 6 tháng hoặc hàng năm của Chính phủ. Do đó, không có sự độc lập và rõ ràng về ngân sách cụ thể để hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
Hành động đầu tiên để phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, theo nhóm công tác là tránh việc lựa chọn nhà đầu tư chỉ dựa vào mức giá. Với các thành tựu kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong thời gian qua, đã đến lúc Chính phủ cần xem xét chấm dứt việc lấy mức giá là tiêu chí quan trọng trong lựa chọn nhà đầu tư.
Thay vào đó Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư có uy tín cam kết xây dựng được các công trình cơ sở hạ tầng có chất lượng cao với tác động tối thiểu đến môi trường.
Về lâu dài, cách làm này sẽ tiết kiệm được chi phí hơn so với việc chọn các nhà đầu tư giá rẻ vì các công trình chất lượng cao sẽ không tốn nhiều chi phí để sửa chữa hoặc khắc phục các hệ lụy về môi trường, Nhóm công tác khuyến nghị.
Hành động tiếp theo là tạo ra các điều kiện phù hợp để thu hút các nhà đầu tư uy tín. Tính minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư cần được cải thiện để các nhà đầu tư có sự yên tâm và niềm tin khi tham gia đấu thầu dự án.
Nhóm công tác cũng khuyến nghị, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ của nhà nước cho các dự án cơ sở hạ tầng với nguồn vốn được dành riêng để hỗ trợ các dự án quan trọng trong các lĩnh vực rủi ro cao.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là khung pháp lý cho phát triển cơ sở hạ tầng phải được cải thiện để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án, đại diện nhóm công tác cơ sở hạ tầng phát biểu.