Cổ phiếu ngân hàng bị chốt lời khá mạnh sáng nay và phân hóa đáng kể. Nhóm này suy yếu khiến cơ hội bứt phá vượt 1.500 điểm của VN-Index bị ảnh hưởng. Rất may câu chuyện điểm số chỉ là vấn đề của trụ.
VCB tăng vọt 2,29%, “bù đắp” lại gần 4 tháng lình xình thất vọng. Cổ phiếu này tăng đúng lúc phần lớn các trụ khác giao dịch yếu, các mã ngân hàng phân hóa. VN-Index tăng 13,27 điểm sáng nay, lên 1.502,14 điểm có công lớn của VCB.
Cổ phiếu ngân hàng sau những phiên tăng khá nhanh, đặc biệt ngày hôm qua nhiều mã kịch trần, bắt đầu gặp khối lượng chốt lời. Các chỉ số đại diện nhóm tài chính chỉ tăng nhẹ như VNFIN tăng 0,35%, VNFINLEAD tăng 0,58%.
Trong gần 30 mã ngân hàng trên cả 3 sàn, chỉ có 10 mã còn tăng. Nhóm blue-chips chỉ sót lại VCB tăng 2,29%, VPB tăng 2,28%, STB tăng 1,31%, MBB tăng 0,16%. Vài mã nhỏ tăng mạnh là SSB tăng 3,04%, OCB tăng 2,17%, VBA tăng 2,17%.
14 cổ phiếu ngân hàng giảm, trong đó 4 mã trên HoSE giảm khá sâu là BID giảm 0,98%, TPB giảm 1,02%, HDB giảm 1,49%, VIB giảm 1,34%.
Khả năng duy trì mức tăng liên tục của cổ phiếu ngân hàng là rất khó khăn vì thanh khoản nhóm này thường rất lớn, cổ phiếu trôi nổi quá nhiều. Lịch sử cũng cho thấy sau 1-2 phiên bất ngờ, cổ phiếu ngân hàng nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo giao dịch chậm hơn. VCB sáng nay khi tăng tốt phiên thứ 2 liên tục, đẩy mức lợi nhuận T+3 lên 8,5%. Cổ phiếu này tăng đạt đỉnh lúc 10h45 và toàn thời gian còn lại của phiên sáng bắt đầu có sức ép lớn hơn và giá tụt xuống nhẹ. Hầu hết các mã ngân hàng khác cũng đạt đỉnh tăng đầu phiên, sau đó tụt dần.
Dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng co lại khá nhanh. TCB tụt xuống còn 649 tỷ đồng, giá giảm nhẹ 0,36%. VPB vươn lên là mã thanh khoản nhất nhóm và cũng là nhất thị trường, với 910,3 tỷ đồng. STB đứng thứ 4 thị trường chỉ giao dịch 635 tỷ đồng. MBB, cổ phiếu thanh khoản lớn kế tiếp trong nhóm với 487,5 tỷ đồng còn không lọt nổi vào Top 10 sàn HoSE.
Cổ phiếu ngân hàng giảm giao dịch khiến thanh khoản VN30 sáng nay cũng giảm tới 12% so với sáng hôm qua. Thanh khoản tăng duy nhất ở VPB, trong khi đó TCB chỉ tương đương 45% sáng hôm qua, STB bằng một nửa, MBB giảm khoảng 30%... Dòng tiền vào tụt giảm khiến lực đỡ cũng suy yếu, trong khi nhu cầu chốt lời ngắn hạn lại gia tăng ở nhóm này.
VN30 chốt phiên sáng tăng 0,58% với 19 mã tăng/10 mã giảm. Dù điểm số thì VCB và VPB vẫn chiếm ngôi đầu, nhưng sức mạnh tăng giá không còn tụ ở các blue-chips ngân hàng. FPT tăng 2,76%, GVR tăng 2,28%, NVL tăng 2,35%, PDR tăng 3,98%, POW tăng 3,68%...
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch mạnh trở lại, nhất là ở nhóm Midcap. Chỉ số nhóm này tăng 1,71% với 46 mã tăng/19 mã giảm. Các mã bất động sản tầm trung tăng rất khỏe như TCH, GEX, ITA, DIG kịch trần, DXG tăng 6,75%, SCR tăng 4,26%... nhiều mã trong nhóm Midcap lọt Top 20 thanh khoản sàn HoSE.
Tính chung cả sàn này số mã kịch trần là 24, trong đó 13 mã thuộc nhóm smallcap. Dù số lượng ngày càng ít đi nhưng các mã còn mạnh thường đạt thanh khoản tốt. Có thể dòng tiền đầu cơ hiện tại “đánh” tập trung hơn, thay vì có được một trào lưu rộng rãi như trước.
VN-Index vượt mốc 1500 điểm sáng nay cũng không phải toàn thuận lợi. Các cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt mất động lực, kéo theo rủi ro suy yếu, thậm chí là đảo chiều ở chỉ số này nếu các trụ khác không bù đắp kịp thời. VN-Index trong 30 phút đầu rất khó khăn, thậm chí có lúc tăng dưới 1,5 điểm so với tham chiếu. Chỉ số sau đó mạnh dần lên những vẫn có tới 2 nhịp trồi sụt quanh mốc 1.500 điểm.
Hiện nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn nâng đỡ đồng đều nữa. Các trụ khác nổi lên là VHM, GVR, FPT, GAS. Đây là điều tích cực vì ngân hàng tăng gấp gáp thì dễ bị chốt lời. Chỉ số thể hiện sự thất bại tại mốc tâm lý 1.500 điểm không phải là diễn biến tốt lúc này.
Dòng tiền hiện đang suy yếu trở lại ở nhóm ngân hàng và ngay lập tức cũng tác động đến giao dịch chung. Hai sàn niêm yết khớp lệnh giảm khoảng 5% giá trị so với sáng hôm qua. Rổ Vn30 giảm tới 12% nhưng cũng đang được bù lại bằng nhóm Midcap.
Khối ngoại đang tiếp tục xả lớn ở VPB với 5 triệu cổ tương đương 190 tỷ đồng ròng. DXG bị bán ròng 72 tỷ, HPG gần 48 tỷ. Nhóm HCM, GEX, TCH, MSN, VHM bị bán quanh 20 tỷ đồng. Phía mua có CTG, STB, VCB quanh 30 tỷ đồng.