October 08, 2021 | 19:46 GMT+7

VCBS: Áp lực lạm phát gia tăng vào những tháng cuối năm 2021

Thu Minh -

Chứng khoán VCBS kỳ vọng tăng trưởng GDP cả năm 2021 khoảng 2,1% - 2,44%. Tuy nhiên, sau diễn biến tích cực của lạm phát trong 9T/2021, áp lực tăng lên lạm phát có thể xuất hiện vào những tháng cuối năm...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, theo VCBS, trong giai đoạn chiến lược chống dịch chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, phục hồi sản xuất, VCBS kỳ vọng nền kinh tế sẽ từng bước phục hồi kể từ Quý 4. Với việc độ phủ vaccine tiếp tục tăng, dự báo tăng trưởng Quý 4 đạt khoảng 3,5% - 4,5%. Con số này tương ứng với mức tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt khoảng 2,1% - 2,44%.

Các dự báo về tăng trưởng GDP dựa trên nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng mạnh cho thấy tiềm năng tăng trưởng hoạt động sản xuất và khả năng Việt Nam hưởng lợi từ nhu cầu thế giới hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên tốc độ hồi phục sẽ có sự phân hoá giữa các ngành nghề và khu vực. Cầu tiêu dùng dự báo hồi phục sau giai đoạn dịch đi qua.

Sự kết hợp các chính sách tài khoá và tiền tệ là quan trọng để tạo môi trường ổn định trong quá trình thích ứng an toàn với dịch bệnh. Hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp được xem là sự hỗ trợ kịp thời.

Các gói hỗ trợ an sinh-xã hội được kỳ vọng sẽ cung cấp đủ sự hỗ trợ để lao động có thể trở lại làm việc sau dịch. 

Tăng cường vai trò của đầu tư công nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân theo hướng đầu tư tập trung có trọng điểm vào một số dự án cơ sở hạ tầng với các biện pháp triển khai quyết liệt: Thông qua kế hoach giải ngân Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong kỳ họp Quốc hội tháng 7 với số lượng dự án giảm một nữa nhưng mức vốn phân bổ cho từng dự án tăng. 

Cùng với đó là sự chú trọng đến các dự án liên quan đến dịch vụ cảng logistic cũng như đầu tư vào ngành công nghệ cao. Sự dịch chuyển dòng vốn bắt đầu cho thấy tác động lên các ngành nghề mang tính hỗ trợ cho việc chuyển dịch sản xuất như bất động sản khu công nghiệp, Năng lượng,…

VCBS: Áp lực lạm phát gia tăng vào những tháng cuối năm 2021 - Ảnh 1

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 9 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.

VCBS đánh giá lạm phát có thể ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi như giá lương thực thực phẩm nội địa ổn định với cầu tiêu dùng sẽ không tăng đột biến; Nỗ lực hỗ trợ phòng chống dịch vẫn được thể hiện xuyên suốt khi hỗ trợ giảm giá điện cho một số đối tượng đến tháng 12/2021. Giá nước, y tế, giáo dục vẫn hoàn toàn nằm dưới điều hành của Chính phủ.

Tuy nhiên, sau diễn biến tích cực của lạm phát trong 9T/2021, VCBS đánh giá áp lực tăng lên lạm phát có thể xuất hiện vào những tháng cuối năm. Nhu cầu di chuyển, du lịch có thể hồi phục trở lại sau nỗ lực kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh; từ đó kéo theo lạm phát nhóm giao thông có thể tăng cao hơn trong Q4/2021. 

Theo yếu tố mùa vụ, tâm lý chuẩn bị Tết có thể thúc đẩy nhu cầu mua sắm và tiêu thụ của người dân. Hơn nữa, nền chỉ số CPI những tháng cuối năm 2020 tương đối thấp. Ngoài ra, đối với giá nguyên vật liệu, hiện giá hàng hóa có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ một số biện pháp quản lý và giám sát của Chính phủ Trung Quốc.

VCBS: Áp lực lạm phát gia tăng vào những tháng cuối năm 2021 - Ảnh 2

Tóm lại, trong tháng 10, VCBS dự báo CPI nhiều khả năng tiếp đà giảm 0,2%-0,3% tương ứng với mức tăng 1,76%-1,66% so với cùng kỳ do giá thịt lợn và học phí giảm trong khi ở chiều ngược lại đà tăng từ giá xăng dầu chưa tạo ra áp lực đủ lớn khi cầu chưa thực sự hồi phục mạnh mẽ. 

Đối với dự báo cả năm 2021, VCBS đánh giá lạm phát sẽ tăng dưới 3,0%, là nền tảng vững chắc cũng như dư địa để Ngân hàng Nhà nước điều hành.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate