Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trong đó có nhiều đề xuất về chính sách thuế.
TĂNG THUẾ GIÁN THU SẼ GÂY THIỆT HẠI LỚN CHO CÁC CƠ SỞ KINH DOANH TẠI HÀ NỘI
Đầu tiên là đề xuất tăng thuế gián thu điều tiết tiêu dùng. Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho phép chính quyền Hà Nội áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội mức phụ thu tăng thêm tối đa 50% trên mức thuế hoặc thuế suất do Quốc hội quy định ở một số sắc thuế gián thu nhằm điều tiết tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoặc hàng hóa, dịch vụ khác cần điều tiết tiêu dùng….
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định này được hiểu là sẽ áp dụng cho các loại hàng hoá, dịch vụ hiện đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nếu việc đánh thuế những hàng hoá, dịch vụ này khác nhau giữa Hà Nội và các địa phương lân cận thì sẽ gây xáo trộn lớn đối với thị trường đó. Nếu áp dụng với hàng hoá thì sẽ có người mua hàng ở nơi thuế thấp để bán lại ở nơi thuế cao, khi đó Nhà nước lại cần thêm các biện pháp kiểm soát để tránh thất thu thuế. Nếu áp dụng với dịch vụ thì sẽ khiến người tiêu dùng di chuyển sang các tỉnh xung quanh Hà Nội để sử dụng dịch vụ. Các cơ sở kinh doanh trong Hà Nội sẽ sụt giảm doanh thu và có thể dẫn đến tình trạng dù thuế suất tăng nhưng tổng số tiền thuế Hà Nội thu được lại giảm. Biện pháp này sẽ gây thiệt hại lớn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Hà Nội.
Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho phép chính quyền Hà Nội áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội mức phụ thu tăng thêm tối đa 50% trên mức thuế hoặc thuế suất do Quốc hội quy định ở một số sắc thuế gián thu nhằm điều tiết tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoặc hàng hóa, dịch vụ khác cần điều tiết tiêu dùng….
Với các lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ biện pháp tăng thuế gián thu điều tiết tiêu dùng ra khỏi đề xuất chính sách.
Dự thảo đưa ra cũng đề xuất chính sách về nâng cao năng lực tài chính – ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của thủ đô. Trong đó có đề xuất giải pháp thứ hai là “Được quy định tăng thuế suất của thuế sử dụng đất đối với diện tích đất ở, nhà ở tại các dự án đô thị đã được đầu tư hạ tầng cơ bản thiết yếu trong trường hợp chủ đầu tư dự án không đưa dự án vào sử dụng sau 12 tháng kể từ thời điểm kết thúc dự án theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư”.
Chính sách này được VCCI suy đoán là một công cụ kinh tế khiến các doanh nghiệp phải nhanh chóng đưa dự án đô thị đã được đầu tư hạ tầng vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, việc các dự án đã đầu tư nhưng chậm đưa vào sử dụng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải lúc nào cũng do lỗi của chủ đầu tư. Trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp muốn đẩy nhanh đưa dự án vào sử dụng để sớm thu hồi chi phí đã bỏ ra đầu tư vào hạ tầng nhưng dự án vẫn bị chậm tiến độ do các nguyên nhân khách quan khác, thậm chí có cả những trường hợp do lỗi của cơ quan nhà nước khi chậm thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Nếu trong những trường hợp như vậy mà chủ đầu tư lại phải nộp thuế sử dụng đất cao hơn thì không có tác dụng thúc đẩy mà thậm chí còn gây thêm khó khăn cho chủ đầu tư, khiến dự án càng chậm được đưa vào sử dụng.
Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại về tính hợp lý của đề xuất liên quan tới thuế sử dụng đất đối với các dự án đô thị đã được đầu tư nhưng chậm đưa vào sử dụng.
THẬN TRỌNG KHI CHO PHÉP CHÍNH QUYỀN HÀ NỘI ĐẶT RA CÁC LOẠI PHÍ MỚI
Dự thảo đề xuất cho phép chính quyền Hà Nội áp dụng những khoản phí chưa được quy định trong Danh mục của Luật Phí và lệ phí. Việc này có thể giúp chính quyền Hà Nội có thể cung cấp thêm các dịch vụ công phù hợp với đặc điểm của thành phố mà không cần thiết phải sửa đổi văn bản ở cấp luật. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc thống nhất danh mục tại Luật Phí và lệ phí trước đây là nhằm tránh tình trạng các cơ quan nhà nước đặt ra các loại phí, lệ phí bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc cho phép chính quyền Hà Nội đặt ra loại phí mới cần được thực hiện một cách thận trọng.
Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm hai nguyên tắc để bảo đảm tránh sự tuỳ tiện khi thực hiện.
Theo VCCI, việc thống nhất danh mục tại Luật Phí và lệ phí trước đây là nhằm tránh tình trạng các cơ quan nhà nước đặt ra các loại phí, lệ phí bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc cho phép chính quyền Hà Nội đặt ra loại phí mới cần được thực hiện một cách thận trọng.
Thứ nhất, việc đặt thêm các loại phí mới vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc của Luật Phí và Lệ phí, gồm có phí phải gắn liền với việc cung cấp dịch vụ công, mức phí nhằm bù đắp chi phí.
Thứ hai, việc đề xuất và ban hành loại phí mới phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Bộ thuộc lĩnh vực dịch vụ công liên quan; đồng thời phải tiến hành lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động như người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đại diện.
Thứ ba, công tác thẩm định đề xuất chính sách và dự thảo văn bản pháp luật về loại phí mới phải được thực hiện theo hình thức Hội đồng thẩm định với đầy đủ thành phần các bên liên quan, nhất là đại diện của nhóm đối tượng chịu tác động.
Dự thảo cũng đề xuất cho phép UBND cấp huyện tổ chức thu các loại thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (cơ quan thuế phối hợp, giám sát để bảo đảm mức thu đúng quy định pháp luật thuế) trên cơ sở phân chia nguồn thu từ thuế đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phục vụ nhu cầu chi của xã, phường. Hiện không rõ việc chính quyền cấp huyện tổ chức thu thuế sẽ được tiến hành cụ thể như thế nào.
Đối với việc kê khai và xác định nghĩa vụ thuế thì hiện nay chính quyền địa phương đã tham gia vào công tác này theo cơ chế Hội đồng tư vấn thuế do UBND cấp huyện thành lập.
Do đó, VCCI cho rằng việc chuyển chức năng nhiệm vụ này từ các chi cục thuế về UBND cấp huyện là không thực sự cần thiết. Nếu cơ quan soạn thảo nhận thấy rằng hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế hiện nay còn bất cập, không phù hợp với điều kiện của Hà Nội, thì có thể đề xuất điều chỉnh vấn đề này. Đối với việc phân bổ và sử dụng số tiền thuế thu được thì thuộc phạm vi pháp luật về ngân sách nhà nước. Nếu cần thiết, có thể điều chỉnh các quy định về ngân sách để số tiền thuế thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh được phân bổ trực tiếp cho xã phường.