Góp ý Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập đến 3 vấn đề chính: (1) giới hạn tỷ lệ sở hữu, (2) hạn chế thành viên hội đồng quản trị và (3) sử dụng vốn vay đúng mục đích.
CHẶN SỞ HỮU CHÉO THÔNG QUA ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC CẤP TÍN DỤNG CHẶT CHẼ HƠN
Điều 54 của Dự thảo đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng so với quy định hiện hành. Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân giảm từ 5% xuống 3%, của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% và của nhóm cổ đông có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Sự thay đổi này, cùng với việc mở rộng khái niệm người có liên quan, được suy đoán là nhằm chống lại tình trạng sở hữu chéo, tăng tính đại chúng trong sở hữu các tổ chức tín dụng, từ đó cải thiện tính minh bạch, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng tính an toàn cho các ngân hàng.
VCCI cho rằng tỷ lệ sở hữu tối đa ở các mức 5%, 15% và 20% như tại Việt Nam hiện nay đã tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, tình trạng cấp tín dụng tập trung cho một nhóm khách hàng có liên quan vẫn thường xuyên diễn ra, làm tăng rủi ro của hệ thống. Như vậy, dường như quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự phát huy tác dụng, các cổ đông dù không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của luật, vẫn có liên kết chặt chẽ với nhau để đồng thuận cấp tín dụng rất tập trung. Kết luận của Thanh tra Chính phủ đầu tháng 7/2023 cho thấy tình trạng cấp tín dụng tập trung vẫn diễn ra tại một số ngân hàng.
Theo VCCI, tỷ lệ sở hữu của một số cổ đông cao không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu cao dễ dẫn đến xung đột lợi ích, khiến hoạt động cấp tín dụng thường được điều hướng vào cho các khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn mà không dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực phù hợp, từ đó mới gây mất an toàn cho ngân hàng.
Thay vì giảm tỷ lệ sở hữu, đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan với cổ đông sở hữu từ 3% trở lên đối với cá nhân, 5% đối với tổ chức và 10% đối với nhóm cổ đông...
Trong khi đó, VCCI đánh giá tỷ lệ sở hữu tối đa quá thấp cũng không thực sự tốt cho việc quản trị ngân hàng. Khi sở hữu tỷ lệ vốn quá thấp, các cổ đông sẽ không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các cổ đông lớn thường không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn mang theo cả công nghệ, quy trình quản trị vào các ngân hàng, giúp các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.
"Thêm vào đó, việc thay đổi pháp luật theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu sẽ khiến một số cổ đông hiện hữu phải bán lại cổ phần của họ. Điều 198.8 quy định chuyển tiếp của Dự thảo cũng yêu cầu các cổ đông hiện hữu phải có phương án và lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu theo Điều 54 phù hợp với hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Điều này không bảo đảm nguyên tắc bảo vệ quyền tài sản theo Hiến pháp. Một số quốc gia khác khi có sự thay đổi quy định pháp luật theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thường chỉ áp dụng cho các giao dịch mua bán cổ phần sau khi quy định mới có hiệu lực, mà không bắt buộc các cổ đông hiện hữu phải bán cổ phần của mình", VCCI nêu quan điểm.
Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng như sau: (i) Thay vì giảm tỷ lệ sở hữu, đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan với cổ đông sở hữu từ 3% trở lên đối với cá nhân, 5% đối với tổ chức và 10% đối với nhóm cổ đông; (ii) Trong trường hợp vẫn quy định giảm tỷ lệ sở hữu thì không nên áp dụng hồi tố đối với các trường hợp đã sở hữu trước ngày luật này có hiệu lực.
TRÁNH HÌNH SỰ HOÁ QUAN HỆ KINH TẾ KHI KIỂM SOÁT MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG VỐN
Điều 34.2 của Dự thảo có quy định hạn chế thành viên hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng không đồng thời là người quản lý, điều hành doanh nghiệp khác. Quy định này được suy đoán là nhằm tránh xung đột lợi ích khi thành viên hội đồng quản trị có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định của ngân hàng nhằm có lợi cho doanh nghiệp khác của mình.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng quy định tại Điều 34.2 cần được cân nhắc một cách thận trọng hơn vì có thể sẽ gây nhiều vướng mắc trên thực tế. Tham gia hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng không phải là một công việc toàn thời gian, nên những người này thường có công việc khác. Việc hạn chế điều kiện thành viên hội đồng quản trị như Dự thảo có thể dẫn đến việc khó tìm được người đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức để tham gia hội đồng quản trị, đặc biệt đối với thành viên độc lập.
"Chúng tôi cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở việc kiểm soát các giao dịch, nhất là giao dịch cho vay của tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp khác mà thành viên hội đồng quản trị kiêm nhiệm quản lý, điều hành. Do đó, biện pháp phù hợp hơn là quy định chặt chẽ về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp mà thành viên hội đồng quản trị có lợi ích liên quan", VCCI nhấn mạnh.
Điều 92.4 của Dự thảo quy định khách hàng có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết. Việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết là nghĩa vụ dân sự của khách hàng đối với tổ chức tín dụng. VCCI quan ngại quy định như Điều 92.4 dễ dẫn đến việc hình sự hoá quan hệ dân sự kinh tế khi có ý kiến cho rằng việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích là yếu tố cấu thành các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Do đó, để tránh hình sự hoá quan hệ dân sự kinh tế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quy định này theo hướng: Khách hàng có nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng cam kết với ngân hàng. Khách hàng có quyền thay đổi mục đích sử dụng vốn nếu được ngân hàng đồng ý hoặc ngân hàng biết mà không phản đối trong một khoảng thời gian hợp lý.