December 11, 2024 | 15:51 GMT+7

VCCI kiến nghị sửa quy định lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết khi sử dụng tài sản công

Kỳ Phong -

Theo VCCI, việc Bộ Tài chính dự kiến chỉ cho phép lựa chọn đối tác để liên doanh, liên kết khi sử dụng tài sản công trong 3 ngày tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là quá ngắn...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

Theo đó, Khoản 2 Điều 6a Dự thảo quy định, đơn vị có tài sản liên doanh, liên kết thông báo về việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP, khoản 42 Điều 1 Nghị định 114/2024/NĐ-CP trong thời hạn ít nhất là 3 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn.

Theo quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP, Nghị định 114/2024/NĐ-CP thì quy trình để lựa chọn đối tác liên doanh gồm: (1) thông báo công khai về việc lựa chọn đối tác trên phương tiện điện tử (trang thông tin của đơn vị, cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý trung ương, địa phương, trang thông tin điện tử về tài sản công của Bộ Tài chính); (2) thành lập tổ đánh giá để chấm điểm; (3) quyết định lựa chọn đối tác.

Theo VCCI, với quy định trên, Dự thảo quy định thời hạn thông báo về việc lựa chọn đối tác là 3 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn, có nghĩa từ khi thông báo về việc lựa chọn cho đến khi có quyết định lựa chọn có thể là 3 ngày làm việc.

"Nói cách khác, cả quy trình lựa chọn liên doanh, liên kết chỉ trong 3 ngày làm việc. Đây là khoảng thời gian quá ngắn để thực hiện quy trình lựa chọn đối tác, có thể gây khó cho các đối tác khi chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu tham gia vào việc lựa chọn", VCCI đánh giá.

Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo phân tách các bước thực hiện lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết và xác định một số mốc thời hạn bắt buộc để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động lựa chọn đối tác.

Về lựa chọn đối tác trong trường hợp chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký tại Khoản 3 Điều 6a quy định ”trường hợp hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia liên doanh, liên kết mà chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký thì đơn vị có tài sản xem xét, quyết định lựa chọn tổ chức, cá nhân đó nếu đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP, khoản 42 Điều 1 Nghị định số 114/2024/Đ-CP, Thông tư này và pháp luật có liên quan”.

VCCI cho rằng quy định này cần làm rõ các điểm: (i) mức tối thiểu đáp ứng các tiêu chí theo bảng chấm điểm quy định tại Phụ lục I Dự thảo; (ii) các đề xuất của tổ chức, cá nhân này đối với hoạt động kinh doanh, liên doanh, liên kết có cần đối chiếu với Đề án kinh doanh, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập đã được phê duyệt trước đó hay không và (iii) cần có các tiêu chí tại Phụ lục, không cần quan tâm mức điểm. 

Bởi vậy, theo VCCI, để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong quá trình thực hiện,  Ban soạn thảo cần quy định rõ về vấn đề trên.

Ngoài ra, về phương án xử lý tài sản sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết theo quy định tại khoản 6 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP tài sản tham gia liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập là quyền sử dụng đất, công trình sự nghiệp và các tài sản khác gắn liền với đất sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết thuộc về Nhà nước.

VCCI cho biết đối với các tài sản khác sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết được xử lý theo các nguyên tắc sau.

Thứ nhất, đối với hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới, các bên sử dụng tài sản của mình để thực hiện liên doanh, liên kết và tự quản lý, sử dụng tài sản của mình, tự bảo đảm các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động và được chia sẻ từ hoạt động liên doanh, liên kết theo hợp đồng. Sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết, đơn vị tiếp tục quản lý, sử dụng hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.

Thứ hai, hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới, các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết; các tài sản này được các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng kiểm soát việc quản lý, sử dụng. Sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết được xử lý theo nguyên tắc phần tài sản thuộc về mỗi bên được xác định tương ứng với giá trị tài sản hoặc vốn góp khi đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng dụng cho mục đích liên doanh, liên kết.

Thứ ba, hình thức liên doanh, liên kết hình thành pháp nhân mới, các bên tham gia liên doanh, liên kết cùng góp tài sản hoặc góp vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản sử dụng cho mục đích liên doanh, liên kết; pháp nhân mới có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và Hợp đồng liên doanh, liên kết. Sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết, các tài sản này được chia cho các bên tham gia liên doanh, liên kết theo tỷ lệ đóng góp của mỗi bên; trường hợp không chia được bằng hiện vật thì thực hiện bán cho các bên còn lại trong liên doanh theo giá thị trường; trường hợp các bên liên doanh không mua thì thực hiện bán theo hình thức đấu giá.

Thứ năm, trường hợp các bên tham gia trong liên doanh, liên kết tự nguyện chuyển giao không bồi hoàn quyền sở hữu phần tài sản của mình cho Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân.

"Như vậy, trên cơ sở các phương án xử lý như trên, tùy thuộc vào hình thức liên doanh, liên kết các phương án xử lý tài sản sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết sẽ khác nhau. Việc Phụ lục Dự thảo chỉ xác định một tiêu chí là “cam kết chuyển gia không bồi hoàn tài sản hình thành thông qua hoạt động liên doanh, liên kết cho sự nghiệp công lập” với số điểm tối đa của mục này dường như chưa thực sự hợp lý vì còn có thể có các hình thức xử lý khác", VCCI đánh giá.

Do đó, VCCI kiến nghị ban soạn thảo dựa vào quy định tại khoản 6 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP để phân tách các phương án xử lý tài sản sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết. Ví dụ: trong trường hợp hình thành pháp nhân mới, sau khi hết thời hạn liên doanh, cam kết mua lại phần tài sản đã hình thành trong quá trình liên doanh, liên kết theo giá thị trường thì sẽ được số điểm thấp hơn số điểm tối đa áp dụng cho cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản hình thành thông qua hoạt động liên doanh, liên kết (10 điểm).

VCCI cho biết theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, trước khi thực hiện liên doanh, liên kết, đơn vị sự nghiệp công lập phải lập Đề án để xin phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong Đề án có các nội dung về Phương án tài chính của việc kinh doanh/cho thuê/liên doanh, liên kết (dự kiến tổng doanh thu, tổng chi phí, chênh lệch thu chi); Đánh giá sơ bộ hiệu quả của phương án kinh doanh/cho thuê/liên doanh liên kết; Phương án xử lý tài sản sau khi kết thúc thời gian liên doanh, liên kết hoặc chấm dứt hợp đồng trước hạn.

Do đó, VCCI kiến nghị Ban soạn thảo giải trình và quy định rõ: các số liệu, chỉ tiêu trong Phương án tài chính của việc liên doanh, liên kết tại Đề án có làm căn cứ để chấm điểm lựa chọn tổ chức, cá nhân liên doanh, liên kết hay không?

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate