November 24, 2023 | 13:00 GMT+7

Vi phạm tốc độ, hàng trăm phương tiện tại Thanh Hóa bị thu hồi phù hiệu

Nguyễn Thuấn -

Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa vừa có quyết định thu hồi phù hiệu đối với 264 xe ô tô chuyên kinh doanh vận tải do vi phạm tốc độ. Cá biệt, xe tải đầu kéo vi phạm tốc độ đến 903 lần trong tháng 9...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lý do các phương tiện kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu là do phương tiện vi phạm điểm b, khoản 10, Điều 22 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cụ thể, các phương tiện trên có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 km/h trở xuống) trong tháng 9/2023.

Một số đơn vị vận tải có phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km xe chạy từ ngày 1-30/9/2023, bị tước phù hiệu như: Xe BKS 36E00910 (taxi) của CN Thanh Hóa- Công ty CP di chuyển xanh và thông minh GSM, vi phạm 24 lần; Xe đầu kéo BKS 36H06946 của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Sơn Vũ, vi phạm 101 lần; xe đầu kéo BKS 36H06980 của Công ty TNHH Long Hường, vi phạm 903 lần; xe tuyến cố định BKS 36E00524 của Công ty TNHH Minh Long, vi phạm 34 lần; xe hợp đồng BKS 36F01002 của Công ty TNHH Lý Thảo, vi phạm 119 lần; tuyến xe cố định BKS 36B02821 của Công ty TNHH vận tải hành khách Anh Kết, vi phạm 864 lần...

Theo quyết định của Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, phù hiệu đã cấp cho các phương tiện nêu trên không còn giá trị sử dụng kể từ ngày 17/11/2023. Do đó, Sở này yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm phải nộp lại phù hiệu về Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa trong vòng 7 ngày (kể từ ngày 17/11/2023); không được sử dụng phương tiện bị thu hồi phù hiệu để tiếp tục tham gia đăng ký kinh doanh vận tải.

Tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của bộ phận theo dõi an toàn giao thông; yêu cầu đội ngũ lái xe nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ và thời gian lái xe; thường xuyên kiểm tra thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục và truyền dẫn dữ liệu theo quy định.

Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa cũng cho biết, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng phương tiện để tham gia hoạt động kinh doanh vận tải thì đơn vị phải làm thủ tục để được cấp lại phù hiệu kinh doanh vận tải theo quy định.

Quyết định cũng nêu rõ, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với phòng Quản lý vận tải kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm nhưng cố tình không chấp hành giao nộp lại phù hiệu theo quy định.

Thời điểm đầu tháng 10 vừa qua, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cũng có báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện có 736 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng với 1.057 phương tiện. Trong số đó có 113 doanh nghiệp với 472 xe, 10 hợp tác xã với 27 xe, 614 hộ kinh doanh với 558 xe.

Phần lớn các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng thực hiện vận chuyển khách theo hợp đồng bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm thuê cả người lái); không thực hiện chở khách dưới hình thức xác nhận đặt chỗ, vé qua tổng đài, số điện thoại, gom khách...

Qua nắm bắt, rà soát và báo cáo của các địa phương, hiện nay trên địa bàn tỉnh này có khoảng 80/1.057 xe hợp đồng hoạt động vận chuyển khách trá hình xe tuyến cố định. Những xe này hoạt động tập trung tại các khu đô thị, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, nơi có nhu cầu của người dân nhiều như: Thành phố Thanh Hoá, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn; các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Triệu Sơn, Quảng Xương, Ngọc Lặc…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate