April 24, 2021 | 19:36 GMT+7

Vì sao áp dụng tiêu chuẩn thống kê lao động mới?

Anh Nhi -

Kể từ quý 1/2021, Tổng cục Thống kê bắt đầu áp dụng các chỉ tiêu thống kê về lao động việc làm theo khung khái niệm mới ILCS 19 nhằm đưa ra bức tranh về lao động việc làm chính xác và phù hợp hơn với bối cảnh...

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê

VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê về những quy định mới về thống kê về lao động.

Bắt đầu từ quý 1/2021, các chỉ tiêu thống kê về lao động việc làm được thu thập và tính toán theo khung khái niệm mới ILCS 19 thay thế cho khung khái niệm ILCS13. Tại sao lại có sự thay đổi này, thưa ông?

Khung khái niệm ICLS 19 hay còn gọi là tiêu chuẩn ICLS 19 là các khái niệm, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê về lực lượng lao động, việc làm, thất nghiệp theo tiêu chuẩn được thông qua tại Hội nghị quốc tế về thống kê lao động việc làm lần thứ 19 (ICLS19), được tổ chức vào tháng 10/2013 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Tiêu chuẩn ICLS 19 xây dựng để thay thế cho tiêu chuẩn cũ là tiêu chuẩn ICLS 13, được xây dựng từ những năm 1980, khi kinh tế thị trường chưa phát triển, các sản phẩm tự cung tự cấp còn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đến nay, nền kinh tế thị trường hiện đại đã hình thành, kinh tế tự cấp, tự túc đã dần mất đi nên tiêu chuẩn ICLS 13 không còn phù hợp.

Theo ICLS 13, những người làm công việc tự sản tự tiêu như trồng rau, nuôi gà cho gia đình sử dụng vẫn được xác định là có việc làm. Tuy nhiên, theo ICLS 19, những người làm công việc trên không được xác định có việc làm. Họ sẽ được hỏi có chủ động tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm công việc khác không? Nếu có sẽ được xác định là thất nghiệp, nếu không thì được xác định là không thuộc lực lượng lao động.

 

Theo kết quả điều tra quý 1/2021, có khoảng 3,5 triệu người làm công việc tự sản tự tiêu và theo tiêu chuẩn ICLS 19, những người này không thuộc lực lượng lao động.

Khung khái niệm ICLS 19 đưa những người làm công việc tự sản tự tiêu ra khỏi lực lượng lao động. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Theo khung khái niệm ICLS19, những người làm công việc tự sản tự tiêu không được xác định là những người có việc làm. Điều này không phải chúng ta muốn gạt bỏ hay để lại phía sau những lao động yếu thế, có năng suất thấp mà chúng ta tách họ thành một nhóm riêng để phân tích rõ hơn đặc điểm của họ về trình độ, giới tính, độ tuổi và tập trung tại những vùng, tỉnh nào, từ đó có thể xây dựng các chính sách phù hợp, giúp họ chuyển đổi công việc tốt hơn, có năng suất cao hơn. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục tính những lao động tự sản, tự tiêu trong lực lượng lao động, vô hình chung chúng ta sẽ hòa chung họ với nhóm lao động khác và không thấy được sự yếu thế của họ trong thị trường lao động.

Theo khung khái niệm ICLS19, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trong khi tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp sau đợt dịch Covid-19 thứ 3 vẫn chưa được giải quyết ổn thoả. Tổng cục Thống kê có đề xuất gì với Chính phủ trong giải quyết và khắc phục tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp hiện nay như thế nào?

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng rất lớn về vấn đề việc làm và thất nghiệp trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Số liệu cho thấy, thiếu việc làm trước đây chỉ tập trung ở nông nghiệp nhưng đến thời điểm hiện tại 4 lĩnh vực mà lực lượng lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid đó là thương mại bán buôn bán lẻ và sửa chữa; sản xuất; dịch vụ thuê mướn và kinh doanh; dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Để giải quyết vấn đề này, trước hết chúng ta cần xác định chống Covid sẽ đồng hành cùng với phát triển kinh tế như Chính phủ đã xác định là thực hiện mục tiêu kép. Chính phủ sẽ cân nhắc việc đưa thanh niên tham gia vào thị trường lao động quy mô lớn hơn và là đối tượng của các biện pháp phục hồi kinh tế. Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành có liên quan nhanh chóng đào tạo thanh niên có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trở thành lao động có tay nghề vững vàng, đáp ứng nhu cầu được tất cả các ngành nghề trước khi tham gia thị trường lao động, có như thế mới đáp ứng được tất cả nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Qua đợt dịch lần này, tình hình thiếu việc làm ở thanh thiếu niên ngày càng cao và nghiêm trọng cho thấy, đây là việc làm cấp thiết mà Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần quan tâm. Tới đây, Chính phủ sẽ triển khai giải pháp “hộ chiếu vaccine” để mở cửa lại các đường bay quốc tế nhằm mục đích thu hút khách du lịch.

Với việc mở cửa đường bay, du lịch được hồi phục thì vấn đề việc làm ít nhiều cũng được giải quyết, các ngành nghề phục vụ du lịch như: vận tải, nhà hàng, khách sạn, các tụ điểm vui chơi sẽ được khôi phục, kéo theo giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động.

Lao động có chất lượng với tỷ lệ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật có tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 26% lực lượng lao động. Để phát triển đất nước dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông, Việt Nam cần làm gì để phát huy tiềm năng của lực lượng này?

Lao động có trình độ đại học trở lên của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%. Đây thực sự là thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sôi động và mạnh mẽ, công nghệ đang rút ngắn khoảng cách địa lý, xóa nhòa các đường biên giới cứng. Tuy nhiên, cũng giống như các quốc gia thành công như Nhật Bản, Singapore... Việt Nam cũng đang có sự tín nhiệm và niềm tin từ người dân, nhà đầu tư nước ngoài.

 

Lao động có trình độ đại học trở lên của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%. Đây thực sự là thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sôi động và mạnh mẽ

Các vấn đề khó khăn về nguồn nhân lực đều có các chủ trương và đường lối phát triển. Đó là tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; hay đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều năm qua, chúng ta đã tích cực triển khai đổi mới giáo dục nhưng kết quả chưa đạt được nhiều. Giáo dục phổ thông thì càng giảm tải lại càng quá tải. Giáo dục đại học thì chưa đào tạo được các giáo sư, các chuyên gia hàng đầu làm nền tảng và định hướng cho sự đổi mới và phát triển. Chúng ta có rất nhiều học sinh giỏi, tài năng ở bậc phổ thông nhưng rất nhiều em không biết và không thể tìm được các trường đại học phù hợp để tiếp tục theo học và phát huy tài năng và sở trường của mình (trừ trường hợp ra nước ngoài du học).

Thực trạng học phổ thông thì vô cùng căng thẳng vất vả nhưng học đại học, sau đại học lại rất nhàn hạ, học như không vẫn đang phổ biến. Các chương trình giáo dục nghề nghiệp nâng cao tay nghề đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, để “cất cánh”, trong thời gian tới, riêng về lĩnh vực giáo dục, chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện các đề án đổi mới và phát triển giáo dục, bắt kịp với dòng chảy của giáo dục thế giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate