September 09, 2021 | 14:32 GMT+7

Vì sao các nền tảng "mua trước trả sau" bùng nổ?

Gia Bảo -

Những thương vụ mua bán sát nhập lên tới hàng tỷ USD mở lối cho sự phát triểm bao trùm của dịch vụ tài chính “mua trước, trả sau” trên toàn cầu...

Ảnh minh họa: PayPal vừa công bố sẽ chi tới 2,7 tỷ USD để mua lại Paidy - một nền tảng “mua trước, trả sau” của Nhật Bản.
Ảnh minh họa: PayPal vừa công bố sẽ chi tới 2,7 tỷ USD để mua lại Paidy - một nền tảng “mua trước, trả sau” của Nhật Bản.

“Ông lớn” trong lĩnh vực thanh toán PayPal vừa công bố sẽ chi tới 2,7 tỷ USD để mua lại Paidy - một nền tảng “mua trước, trả sau” của Nhật Bản. Thương vụ “khủng” này dự kiến sẽ hoàn tất vào quý 4/2021, đánh dấu bước tiến mới của đại gia fintech đến từ Mỹ trong việc thúc đẩy mảng kinh doanh tại thị trường Nhật Bản. 

Là một công ty công nghệ tài chính ra đời vào năm 2008 tại Tokyo, Paidy cho phép các nhà kinh doanh online cung cấp thanh toán qua thẻ tín dụng và trả góp cho khách hàng của họ. Công ty hiện có 6 triệu khách hàng này đã huy động được khoảng 400 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm Goldman Sachs và PayPal Ventures - chi nhánh của PayPal.

Chỉ một tháng trước, Square Inc cũng hé lộ kế hoạch mua lại công ty Afterpay Ltd. với mức giá lên tới 29 tỷ USD. Nền tảng dịch vụ “mua trước trả sau” của Australia này sở hữu hơn 16 triệu khách hàng và gần 100.000 người bán trên toàn thế giới đang sử dụng nền tảng này.

Thương vụ này dự kiến kết thúc vào quý 1/2022“ sẽ chắp cánh” để Square sở hữu một phần lớn trong không gian thanh toán kỹ thuật số cũng như mở rộng quyền truy cập cho người dùng.

"LÀN GIÓ MỚI" TỪ CÁC CÔNG TY KHỞI NGHIỆP

Những thương vụ lớn liên tiếp đến từ các “đại gia” thanh toán hàng đầu thế giới phản ánh sức hút của các nền tảng “mua trước trả sau”. Đây được xem là một hình thức tín dụng mới của thế kỷ 21, trong đó khách hàng không cần phải trả tiền ngay lập tức cho người bán mà có thể trả góp dần với nhiều lựa chọn mất phí hoặc không mất phí, hoặc trả lãi suất trong khoảng thời gian cho phép. 

Trong nhiều trường hợp, khách hàng chỉ phải cung cấp một số thông tin cá nhân. Ứng dụng sẽ sử dụng các thuật toán và dữ liệu để phân tích và xét duyệt cung cấp dịch vụ. 

Sự khác biệt của dịch vụ "mua trước, trả sau" được cung cấp bởi các công ty khởi nghiệp sáng tạo so với các nhà cung cấp thẻ tín dụng và ngân hàng truyền thống ở chỗ họ cung cấp nhiều lựa chọn không tính lãi suất hay phí. Người dùng cũng không phải đăng ký hay lập tài khoản. 

Người bán sẽ là bên trả phí giao dịch, tính theo phần trăm đơn hàng. Hình thức này có thể giúp người bán tăng số lượng hàng bán ra, cải thiện doanh số bán hàng và số lượng khách hàng. 

Mô hình mua trước trả sau đã vô cùng thành công trong đại dịch. Các nền tảng dịch vụ tài chính này được thúc đẩy nhờ khoản trợ cấp kích thích kinh tế và sự đảo lộn của thị trường tín dụng tiêu dùng. 

Theo báo cáo của Worldpay, các dịch vụ “mua trước, trả sau” sẽ là một trong những hình thức thanh toán trực tuyến tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong vòng 5 năm tới. Chi tiêu trên các nền tảng "mua trước, trả sau" cũng được kỳ vọng sẽ đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025. Chỉ riêng tại Mỹ, ước tính người tiêu dùng đã chi hơn 20 tỷ USD thông qua việc sử dụng các dịch vụ "mua trước, trả sau" vào năm ngoái. 

SỨC MẠNH TỪ DỮ LIỆU "NHẶT NHẠNH" 

Có hai lý do chính khiến các hãng công nghệ tập trung vào “mua trước, trả sau”, theo Rest of World. Thứ nhất, so với ngân hàng truyền thống, dữ liệu mà họ có được về tình hình tài chính của khách hàng sâu hơn và nhiều thông tin hơn.

Cụ thể, các ngân hàng thường chỉ xem xét các khoản mua sắm và thu nhập lớn. Trong khi đó, các công ty dịch vụ tài chính và thanh toán di động lại “nhặt nhạnh” dữ liệu nhỏ lẻ. Chính từ những “mảnh ghép” này giúp họ xây dựng bức tranh chi tiết về tín dụng của khách hàng. Thứ hai, các sản phẩm tín dụng nhỏ lẻ giúp các nền tảng tiếp cận nền tảng khách hàng khổng lồ cho các dịch vụ mà ngân hàng truyền thống khó phủ tới. 

Tại châu Á - Thái Bình Dương, theo nhà phân tích Dewi Rengganis đến từ hãng Frost & Sullivan, nhiều công ty thanh toán di động trong khu vực muốn sử dụng nền tảng của mình để cung cấp các dịch vụ tài chính kỹ thuật số toàn diện. Các siêu ứng dụng như Grab, Gojek hiện cũng đã cung cấp dịch vụ “mua trước, trả sau” cho những đối tượng chưa được ngân hàng phục vụ.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, việc thu hút và tìm kiếm khách hàng, cả ở phía người bán lẫn phía người mua, của các công ty công nghệ tài chính trong lĩnh vực này sắp bước vào một giai đoạn mới. Khi đó, các công ty khởi nghiệp non trẻ sẽ phải cạnh tranh với những "gã khổng lồ", vốn có sẵn một lượng khách hàng riêng rất lớn và trải rộng trên toàn cầu như PayPal hay Square.

Trong tuyên bố về thương vụ PayPal cho biết, việc mua lại Paidy sẽ mở rộng năng lực, mạng lưới phân phối và sự hiện diện của PayPal ở thị trường thanh toán trong nước tại Nhật Bản - thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba thế giới đồng thời bổ trợ cho hoạt động kinh doanh xuyên biên giới của PayPal hiện đang tại đất nước này. 

Với Square, đồng sáng lập kiêm CEO Jack Dorsey cho biết trong một tuyên bố rằng, thương vụ mua lại  Afterpay giúp xây dựng một hệ thống tài chính công bằng, dễ tiếp cận và bao trùm hơn. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate