May 24, 2023 | 13:00 GMT+7

Vì sao chứng khoán như “rùa bò” dù lãi suất đã giảm thêm?

An Nhiên -

Trong lần hạ lãi suất điều hành lần này, Vn-Index phản ứng thận trọng, ngay trong phiên giao dịch sáng 24/5, trái ngược với tâm lý kỳ vọng bùng nổ của nhà đầu tư, thị trường vẫn giảm 1,24 điểm. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như VnEconomy đưa tin, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5 tới đây. Đây là lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế kể từ đầu năm 2023. 

KHẢ NĂNG HẤP THỤ VỐN KÉM

Theo quan điểm của Chứng khoán ACBS, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất.

Do đó, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.

Vì sao chứng khoán như “rùa bò” dù lãi suất đã giảm thêm? - Ảnh 1

Ngành sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, chúng ta có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023

Bên cạnh đó, gần đây Chính phủ đã can thiệp để hỗ trợ kích thích tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách khác như Nghị định 12/2023/N-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và phí thuê đất trong năm 2023 và đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ.

"Những chính sách này sẽ giúp bù đắp cho sự suy giảm tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giải phóng dòng vốn. Cuối cùng, Chính phủ dự định đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023, đây cũng là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023", Ông Trịnh Hoàng Viết Minh, chuyên viên phân tích Chứng khoán ACBS nhấn mạnh.

Vì sao chứng khoán như “rùa bò” dù lãi suất đã giảm thêm? - Ảnh 2

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đồng quan điểm khi cho rằng việc hạ lãi suất điều hành không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế.

“Hiện tại, rủi ro của toàn nền kinh tế đang tăng lên. Do đó, các ngân hàng phải tăng cường rà soát rủi ro, thẩm định năng lực của doanh nghiệp trước khi giải ngân. Có rất nhiều người, nhiều doanh nghiệp muốn vay với lãi suất thấp nhưng liệu có lọt qua được mạng lưới thẩm định của các ngân hàng?", ông Hiếu nêu vấn đề.

Cũng theo ông, vì rủi ro cao nên việc  hạ lãi suất có lẽ không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng tín dụng. Và cũng khó mà hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%. Nguyên lý hoạt động của ngành tài chính ngân hàng là high risk – high return (rủi ro cao thì lợi nhuận phải cao). Do đó, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng phải cho vay với lãi suất cao để bù trừ cho rủi ro. Rủi ro của nền kinh tế mà tăng thì các ngân hàng không thể nào hạ lãi suất thêm được.

CHỨNG KHOÁN THẬN TRỌNG TRONG NGẮN HẠN

Đối với thị trường chứng khoán, lãi suất điều hành và VN-Index thường có xu hướng ngược nhau. Khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có xu hướng đi lên sau đó và ngược lại, khi lãi suất điều hành tăng thì chứng khoán thường sụt giảm.

Diễn biễn 3 lần SBV công bố hạ lãi suất điều hành gần đây nhất, là ngày 30/09/2020, 14/03/2023 và 31/03/2023, trong đó ngày 31/03/2023 SBV công bố hạ lãi suất tái cấp vốn 0,5%, ngày 14/03/2023 SBV công bố hạ lãi suất tái chiết khấu 1%, ngày 30/09/2023 SBV đồng loạt hạ cả lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn 0,5%.

Nhìn chung, hầu hết các ngành đều có phản ứng tích cực trong ngắn hạn và trung hạn đối với tin tức này. Trong đó, Dịch vụ Tài chính và Viễn thông là hai nhóm có tăng trưởng tích cực nhất sau một tháng Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành.

 

Nhiều biến số kinh tế Mỹ trong tuần này có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường như (1) đàm phán về trần nợ công vẫn chưa có nhiều tiến triển quá tích cực (2) FOMC họp trong tuần (3) PCE và số liệu việc làm Mỹ cũng sẽ ra trong tuần.

Tuy nhiên, trong lần hạ lãi suất điều hành lần này, Vn-Index phản ứng thận trọng, ngay trong phiên giao dịch sáng 24/5, trái ngược với tâm lý kỳ vọng bùng nổ của nhà đầu tư, thị trường vẫn giảm 1,24 điểm. 

Bình luận về diễn biến này, theo ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám Đốc Phòng Nghiên Cứu và Phân Tích Đầu Tư FIDT, trong dài hạn các quyết định hiện nay sẽ mang đến hiệu ứng tích cực tương tự giai đoạn cuối 2012. Tuy nhiên trong ngắn hạn sẽ khá khó dự báo. Nguyên nhân do: Các thông tin dự báo về việc hạ lãi suất đợt này đã lan khá rộng trên thị trường từ tuần trước nên khó tạo yếu tố quá bất ngờ.

Ngoài ra, nhiều biến số kinh tế Mỹ trong tuần này có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường như (1) đàm phán về trần nợ công vẫn chưa có nhiều tiến triển quá tích cực (2) FOMC họp trong tuần (3) PCE và số liệu việc làm Mỹ cũng sẽ ra trong tuần.

Đối với nền kinh tế, các quyết định sẽ mang đến cơ hội vốn cho các doanh nghiệp với chi phí thấp hơn (kỳ vọng), trong bối cảnh áp lực lãi vay và thanh toán của doanh nghiệp khá lớn; cùng với đó nhiều khu vực doanh nghiệp vẫn đang phụ thuộc/ trông chờ nguồn vốn tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ông Phương lưu ý thêm, các lãi suất điều hành theo Quyết định 950 là dành cho thị trường 2 (giữa các tổ chức tín dụng và NHNN). Việc tác động đủ mạnh tới nền kinh tế qua thị trường 1 sẽ chưa quá lớn nếu tính việc giảm lãi suất này là riêng lẻ, vì: Thứ nhất, hệ thống NHTM Việt Nam phụ thuộc nhiều vào cung tiền và room tín dụng nhiều hơn là lãi suất điều hành.

Thứ hai, khi nền kinh tế đang trong đà suy giảm thì khả năng hấp thụ vốn sẽ kém hơn. Thứ ba, khi rủi ro gia tăng thì các điều kiện tín dụng của các tổ chức tín dụng cũng tương đối khắt khe hơn.

Do đó, chính sách sẽ cần đồng bộ với việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và mở các điều kiện tín dụng (Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong Công văn 439 gần đây) và kết hợp với việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua USD, tăng cung VND ra thị trường 1, đây cũng là biện pháp Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành. 

"Nên xét tổng thể chính sách thì các nhà điều hành đang nỗ lực hỗ trợ cho nền kinh tế chuẩn bị đầu giai đoạn phục hồi", ông Phương nhấn mạnh. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate