Diễn biến cổ phiếu ngân hàng Việt Nam rớt mạnh đang là hiện tượng đáng chú ý trên thị trường chứng khoán trong mấy ngày qua. Các chuyên gia cho rằng, có thể do cổ phiếu ngân hàng tại nhiều thị trường khác cũng giảm mạnh gần đây. Ngày 1/3, cổ phiếu ngân hàng trên thị trường châu Âu mất 6,8% khi các nhà giao dịch giảm đáng kể kỳ vọng vào việc ECB sẽ thắt chặt tiền tệ. Trên thị trường Mỹ, cổ phiếu nhóm ngân hàng giảm 3,8%.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhìn nhận, căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến giá cả hàng hóa trên thị trường toàn cầu tăng cao, qua đó làm gia tăng áp lực lạm phát.
''Với bối cảnh chênh lệch huy động - tín dụng ngày càng thu hẹp và áp lực lạm phát tăng khiến các ngân hàng thương mại Việt Nam buộc phải tăng lãi suất huy động để giữ mức lãi suất thực dương. Trong khi chưa chắc đã có thể tăng lãi suất cho vay vì nhiều nguyên nhân. Do đó, nhà đầu tư đang tỏ ra hoài nghi về tỷ suất lời của các ngân hàng", ông Tuấn cho biết.
Về góc độ kỹ thuật, theo chuyên gia Đào Phúc Tường, chỉ số P/B (so sánh giá với giá trị sổ sách) của ngành ngân hàng đang khoảng 2,4 lần, nằm trên hai lần độ lệch chuẩn trung bình 10 năm. Nếu giả định tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20-25%/năm và từ nay đến cuối năm 2022 giá cổ phiếu không tăng thì P/B mới giảm xuống còn 1,8-2 lần.
Hiểu đơn giản, mất khoảng một năm cổ phiếu ngân hàng không đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư thì P/B mới quay lại mức trung bình nhiều năm. Điều này cho thấy, nền định giá của cổ phiếu ngân hàng đang ở mức rất cao so với quá khứ.
Trong thời gian tới, ông Tường cho rằng, kỳ đại hội đồng cổ đông tới đây sẽ là điểm bản lề để thu hút sự chú ý của dòng tiền trên thị trường đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng.
"Đợt vừa rồi cổ phiếu ngân hàng tăng lên cũng một phần là đã có những tin tức rò rỉ từ kế hoạch lợi nhuận, từ kế hoạch mua bán sáp nhập... Các thông tin bắt đầu rò rỉ ra khiến cổ phiếu ngân hàng có những phản ứng khá là tích cực", ông Tường phân tích.
Theo cập nhật mới nhất của nhóm nghiên cứu một ngân hàng lớn, đòn trừng phạt của Mỹ và các nước châu Âu hướng vào Nga đã gây ra cú sốc trên toàn bộ thị trường tài chính thế giới, tác động tiêu cực đến kinh tế tài Việt Nam. Đó là, thứ nhất, căng thẳng giữa Nga và Ukraina đẩy cao giá cả hàng hóa nguyên liệu cơ bản, đặc biệt là xăng dầu, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành kinh tế; trong đó đặc biệt là ngành giao thông vận tải, vốn vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Các ảnh hưởng này sẽ còn lan rộng tới hầu hết các ngành kinh tế khác khi chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa, dịch vụ tăng lên.
Thứ hai, các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng sẽ khiến Nga khó khăn trong việc nhập khẩu hàng hóa, thanh toán quốc tế (khi bị loại khỏi hệ thống SWIFT) và điều này sẽ ảnh hưởng tới thương mại song phương Việt - Nga. Tuy hiện nay, thương mại song phương với Nga năm 2021 chỉ bằng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam (khoảng 7 tỷ USD) nhưng những khó khăn về thương mại vẫn có thể ảnh hưởng trực tiếp các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chính là Nga như một số doanh nghiệp dệt may, da giày, sản xuất điện thoại và linh kiện, thủy sản, nông sản...
Ngoài ra, ngành vận tải hàng không, đường biển có thể bị ảnh hưởng do các lệnh cấm không phận giữa Nga và các nước.
Những khó khăn nêu trên, chắc chắn sẽ được phản ánh vào giá cổ phiếu, đặc biệt là những mã cổ phiếu có tính liên quan mật thiết.