July 19, 2023 | 19:16 GMT+7

Vì sao doanh nghiệp ngại niêm yết, "hàng mới" trên sàn chứng khoán thấp kỷ lục?

Kiều Linh -

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), 6 tháng đầu năm chỉ có duy nhất một cổ phiếu niêm yết mới là CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (mã PVP). Đây là lượng cổ phiếu niêm yết mới trong một năm thấp nhất lịch sử...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khan hiếm "hàng mới", chất lượng được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến thị trường kém sôi động trong những tháng đầu năm 2023. Ngay cả khi dòng tiền đang dần trở lại với chứng khoán từ kênh tiết kiệm ngân hàng, nếu không có nhiều tân minh mới, cũng làm giảm sức hấp dẫn của thị trường khó có những giai đoạn sóng lớn, bùng nổ như đã từng năm 2021.

VÌ ĐÂU KHAN HIẾM "HÀNG MỚI"?

Mổ xẻ nguyên nhân vì sao 6 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn hạn chế tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức sáng ngày 19/7, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu. Bản thân doanh nghiệp đang chật vật đối phó với những khó khăn về tài chính để tồn tại. Bên cạnh đó, các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải thuộc dạng tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm.

"Chung quy, nội tại sức khỏe của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tình trạng doanh nghiệp niêm yết trên sàn đang ở mức hạn chế như hiện nay", ông Huỳnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng tư vấn - Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng quan trọng là bản thân các doanh nghiệp đang chưa nắm rõ về lợi ích, cũng như điều kiện để niêm yết trên sàn.

Đáng lo ngại là bản thân một số doanh nghiệp quy mô lớn mà không có nhu câu niêm yết trên sàn chứng khoán vì khi niêm yết, các doanh nghiệp quy mô lớn đó cảm thấy bị "đánh đồng" với các doanh nghiệp có hoạt động thiếu minh bạch. Trong những năm vừa qua, có một vài doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng tới uy tín của các doanh nghiệp niêm yết chung. Đó là nguyên nhân chính của hiện trạng này.

Còn ông Nguyễn Trung Đức, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho hay, đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có hơn 65.000 doanh nghiệp thành viên đang hoạt động trong hiệp hội. Trong đó, chiếm trên 1% (hơn 650 doanh nghiệp) là doanh nghiệp đã niêm yết hoặc đang trong giai đoạn tiến hành đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để chuẩn bị niêm yết. Nguyên nhân là vì điều kiện tiên quyết để đại chúng hóa, niêm yết là về vốn điều lệ.

Các diễn giả thảo luận tại tọa đàm  “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán”.
Các diễn giả thảo luận tại tọa đàm  “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán”.

GIẢI PHÁP NÀO THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP LÊN SÀN CHỨNG KHOÁN?

Doanh nghiệp đăng ký niêm yết mới khan hiếm cũng có phần nguyên nhân đến từ việc bị trả lại hồ sơ ngay từ khi lên UpCOM. Trong tiêu chí niêm yết, điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp phải đi qua thị trường UPCoM, bởi vậy, các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian gần đây đều có tối thiểu 2 năm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Tuy nhiên, theo bà Hồ Thị Phương Tú, Giám đốc phòng quản lý niêm yết - HNX, đã có nhiều doanh nghiệp bị trả lại hồ sơ khi niêm yết, nguyên nhân chính dẫn tới việc hồ sơ bị trả lại là do các doanh nghiệp chưa để đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết. Vấn đề thường thấy là tình hình tài chính không đáp ứng, và là nguyên nhân chính dẫn tới việc hồ sơ của các doanh nghiệp bị trả lại. Theo thống kê, có tới 70% số lượng hồ sơ bị trả lại là do không đáp ứng đủ các yêu cầu này.

Về giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Trung Đức, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Hiệp hội cho hay, thời gian qua đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là định hướng, hỗ trợ tư vấn pháp lý trong hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp hội viên, nhằm nâng cao khả năng về vốn, tiệm cận đến việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt sau hai năm Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng đến sức khỏe doanh nghiệp.

Hiệp hội cũng thường xuyên làm việc cơ quan chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, huy động vốn. "Chúng tôi cũng mong muốn làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp củng cố nội lực, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa bán ra ngoài thị trường, gia tăng năng lực cạnh tranh để đạt điều kiện trong tương lai có thể đạt được quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong quá trình niêm yết, đại chúng hóa", ông Đức nhấn mạnh.

Còn ông Bùi Đình Như, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, muốn thức đẩy doanh nghiệp lên sàn, đầu tiên là phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp, để những "ông chủ" nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức khi lên sàn chứng khoán. Tiếp đó, cũng cần nâng cao về tính minh bạch và cho các doanh nghiệp hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững khi phát triển.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate