Trong cuộc điều trần về chính sách tiền tệ vào tuần trước trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell một lần nữa cho thấy rõ ông không ưa gì tiền ảo, nhất là những đồng stablecoin.
Ông Powell nói rằng động lực chính để Mỹ tiến tới phát hành đồng tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC) của nước này là xoá bỏ cơ hội sử dụng tiền ảo trên đất Mỹ. “Sẽ không cần đến stablecoin, sẽ không cần đến tiền ảo, nếu như có một đồng tiền kỹ thuật số của Mỹ. Tôi nghĩ đó là một trong những lập luận chắc chắn để ủng hộ việc phát hành tiền số ngân hàng trung ương”, ông Powell nói.
Các quan chức Fed và các nghị sỹ Mỹ từ lâu đã lo ngại về sự nổi lên của stablecoin – những đồng tiền ảo được neo buộc vào tài sản thực, chẳng hạn tiền giấy như đồng USD hay một hàng hoá như vàng, điển hình là đồng Tether được neo buộc vào USD. Stablecoin đang được sử dụng ngày càng nhiều trong các giao dịch nội địa và quốc tế ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, khiến các ngân hàng trung ương lo ngại vì không có thẩm quyền điều tiết lĩnh vực này.
“Tôi hiểu vì sao họ sợ stablecoin”, nhà sáng lập Nic Carter của Castle Insland Ventures nhận định. “Tôi có thể thấy vì sao họ lo ngại khi một phần lớn của hoạt động ngân hàng thương mại được chuyển sang lĩnh vực đang gần như không có sự điều tiết này”.
Tuy nhiên, ông Powell cũng không thực sự hào hứng với việc Mỹ phát hành một CBDC riêng. Khi được một nghị sỹ đặt câu hỏi, ông đáp rằng ông còn chưa xác định được liệu lợi ích mà một đồng USD kỹ thuật số mang lại có lớn hơn chi phí bỏ ra hay không.
USD KỸ THUẬT SỐ CÓ CẠNH TRANH ĐƯỢC VỚI STABLECOIN?
Chỉ có một điều rõ ràng là Fed không muốn tiếp tục để stablecoin “làm mưa làm gió” nữa.
“Chúng ta có một truyền thống ở đất nước này về việc tiền của người dân được cất ở đâu và đâu là tài sản thực sự an toàn. Đó là điều không có ở stablecoin, và nếu chúng trở thành một phần quan trọng trong lĩnh vực thanh toán, thì chúng ta cần một khuôn khổ phù hợp. Hiện tại chúng ta chưa có khuôn khổ nào như vậy”, Chủ tịch Fed nói.
Như đã đề cập ở trên, ông Powell tính đến việc Fed phát hành CBDC nhằm cạnh tranh với stablecoin, nhưng giới phân tích chỉ ra rằng một đồng USD kỹ thuật số sẽ không có một ưu điểm quan trọng như stablecoin.
“Stablecoin phổ biến vì chúng độc lập khỏi các chính trị gia và ngân hàng trung ương”, nhà quản lý danh mục Mati Greenspan của Quantum Economics nhận định. “Mọi người muốn sự tách bạch giữa Chính phủ và tiền. CBDC không có được điều đó”.
Một số chuyên gia nói rằng về mặt kỹ thuật, một đồng USD kỹ thuật số do Fed phát hành sẽ an toàn hơn các stablecoin do tư nhân phát hành, nhưng những người dùng stablecoin lại không thực sự cần tới sự an toàn, mà cần một cách dễ dàng hơn để giao dịch, nhất là trong các giao dịch quốc tế.
Bà Alyse Killeen, nhà sáng lập của công ty đầu tư mạo hiểm chuyên về Bitcoin có tên Stillmark, cho rằng sự hiện diện của một CBDC ở Mỹ sẽ không làm suy giảm giá trị của tiền ảo.
“Nhiều người nhận ra sự mất quyền tự chủ khi phải chờ cho phép mới được tiêu tiền. Đó là một trải nghiệm tương đối phổ biến khi họ bị chặn trong lúc đang thực hiện một giao dịch trên hệ thống ngân hàng, trên thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng, khi giao dịch được thực hiện ngoài giờ làm việc của ngân hàng hoặc ngoài thói quen chi tiêu cá nhân đã được ngân hàng nhận diện”, bà Killeen nói. “Một đồng tiền kỹ thuật số do Fed phát hành có thể sẽ có những vấn đề như vậy”.
LÝ DO FED LO NGẠI STABLECOIN
Giải thích về nỗi lo của Fed về sự nổi lên của tiền ảo, trong đó có stablecoin, giới phân tích đưa ra một số nguyên nhân.
Thứ nhất là nỗi lo về mất kiểm soát tiền tệ. Theo chuyên gia kinh tế học Michael Bordo thuộc Đại học Rutgers, mạng xã hội Facebook đang có kế hoạch phát hành một stablecoin có tên Diem và nều tiền ảo này “thành công trong việc thay thế tiền của ngân hàng trung ương trong ví của người dân, thì Fed sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý cung tiền, và rộng hơn là điều hành chính sách tiền tệ”.
Bên cạnh đó là mối lo về suy giảm chủ quyền tiền tệ. “Nếu Diem hoặc thậm chí là một CBDC của Trung Quốc được nhiều quốc gia khác chấp nhận, đồng USD sẽ mất vị thế thống lĩnh”, ông Bordo nói.
Các ngân hàng trung ương như Fed cũng lo việc stablecoin bên ngoài thì được neo buộc vào tiền thật, nhưng thực chất không được bảo lãnh bởi chủ quyền tiền tệ mà bởi tài sản tài chính. Ông Ronit Ghose - trưởng bộ phận công nghệ tài chính và tài sản số của Citi Global Insights - cho rằng điều này tương tự như phương thức hoạt động của các quỹ thị trường tiền tệ (money market fund).
“Stablecoin giống như khi bạn xem một bộ phim ‘nhái’. Thực chất, bạn không được xem bộ phim gốc”, ông Ghose nói.
Đây mới là điều thực sự khiến Fed lo lắng. Các tiền ảo như Bitcoin không “giả vờ” giống như tiền thật, nhưng “stablecoin có thể mang lại cảm giác bạn đang sử dụng thứ gì đó có giá trị cố định bằng tiền thật” mà thực ra không phải vậy.