Tuy quan điểm từng người, năm 2021 có thể là một thời điểm tuyệt vời hoặc cũng có thể là một thời điểm tồi tệ để trái phiếu Trung Quốc vươn ra toàn cầu. Nhưng với huyền thoại đầu tư Ray Dalio, sự trỗi dậy của trái phiếu Trung Quốc là một xu hướng tất yếu.
Trong một bài đăng trên LinkedIn gần đây, ông Dalio chỉ ra rằng mức nợ của Mỹ đã tăng theo một quỹ đạo đáng báo động suốt thập kỷ qua và thậm chí còn phình to nhanh hơn kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch. Hàng loạt gói cứu trợ khẩn cấp trị giá hàng nghìn tỷ USD buộc các nhà chức trách Mỹ tăng tần suất phát hành trái phiếu chính phủ để có tiền trang trải khi ngân sách thâm hụt leo thang kỷ lục. Trong tình huống như vậy, trái phiếu Trung Quốc cho thấy sự ổn định đáng kể so với trái phiếu Mỹ - theo ông Dalio.
MỘT PHẦN TẤT YẾU CỦA LỊCH SỬ
Nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ cũng chỉ ra rằng danh mục hiện tại của các quỹ đầu tư quốc tế chưa phản ánh được vị thế kinh tế đối trọng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ nhìn thế giới hiện cũng là thị trường trái phiếu lớn thứ hai thế giới, nhưng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của khối ngoại cho đến nay vẫn còn tương đối thấp.
Các quỹ đầu tư toàn cầu nắm giữ hơn 1/3 trái phiếu Mỹ nhưng chỉ khoảng 6% trái phiếu Trung Quốc. Bởi vậy, hiện tượng dòng tiền đổ vào trái phiếu đồng Nhân dân tệ thực ra chính là một phần tất yếu của lịch sử, khi thị trường vốn của một nền kinh tế mới nổi đe dọa vị thế một siêu cường.
"Vị thế quá lớn của trái phiếu Mỹ phần lớn là do đặc quyền khổng lồ của Mỹ khi đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu của thế giới. Điều đó cho phép Mỹ vay quá nhiều tiền trong nhiều thập kỷ. Như một phần của chu kỳ lịch sử, sẽ có sự xuất hiện cạnh tranh của thị trường vốn ở các nền kinh tế mới nổi. Phù hợp với chu kỳ tất yếu này, ta đang chứng kiến sự dịch chuyển đầu tư từ trái phiếu Mỹ sang trái phiếu Trung Quốc" - ông Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất hành tinh Bridgewater Associates nhấn mạnh.
BA YẾU TỐ KHIẾN TRÁI PHIẾU TRUNG QUỐC HẤP DẪN
Đúng với nhận định của ông Dalio, trái phiếu Nhân dân tệ đã chứng minh sức hút trong suốt năm 2020, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm dao động quanh mức khoảng hơn 3%, cao hơn đáng kể so với lợi suất trái phiếu chính phủ ở nhiều nền kinh tế phát triển. Riêng tại châu Âu, tổng tài sản các quỹ đầu tư trái phiếu Trung Quốc đã tăng vọt 80% trong năm 2020 lên 18 tỷ Euro.
Theo ông Li Zhanying - Giám đốc kinh doanh và quan hệ khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại FTSE Russell, bên cạnh yếu tố lợi suất cao tương đối, một nguyên nhân quan trọng khiến các nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu Trung Quốc là nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư và hạn chế rủi ro. Điều này tương tự quan điểm của ông Pan Gongsheng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), rằng "trái phiếu đồng Nhân dân tệ đang cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ cũng như đặc tính phòng ngừa rủi ro nhất định".
Yếu tố thứ ba củng cố sức hút của thị trường trái phiếu Trung Quốc: FTSE dự kiến chính thức bổ sung trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào chỉ số trái phiếu chính phủ thế giới (WGBI) vào cuối tháng 10 năm nay.
Hoàn toàn hợp lý khi trái phiếu đồng Nhân dân tệ xác lập vai trò nhất định trên thị trường vốn toàn cầu thông qua việc góp mặt trong chỉ số WGBI - nhận định của nhà quản lý danh mục đầu tư Binay Chandgiothia. "Không có trái phiếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong danh mục là một sự thiếu hụt", nhà quản lý danh mục này nói.
Bước sang tháng 3/2021, xu hướng dòng tiền đổ vào thị trường trái phiếu Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt phần nào khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên. Việc FTSE Russell tuyên bố lùi thời hạn đưa trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào chỉ số WGBI tới 3 năm thay vì 12 tháng như lộ trình ban đầu cũng làm giảm bớt sức hấp dẫn của trái phiếu đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, nhà phân tích Wei He từ Gavekal Dragonomics dự báo trong dài hạn, "trái phiếu đồng Nhân dân tệ vẫn có sức hấp dẫn nhờ yếu tố kỹ thuật cũng như việc được FTSE đưa vào chỉ số trái phiếu chính phủ thế giới".
Chris Woods, nhà quản lý chính sách tại FTSE Russell, dành nhiều lời có cánh cho Bắc Kinh: "Chúng tôi cho rằng Trung Quốc đã có những tiến bộ vượt bậc trong cải cách thị trường". Tuy nhiên, ông này lưu ý "sẽ tiếp tục làm việc với PBoC để đảm bảo các cải cách tài chính tiếp tục tạo nên những tác động hữu hình về cấu trúc thị trường", qua đó tăng khả năng tiếp cận thị trường dành cho nhà đầu tư quốc tế.