October 20, 2020 | 17:36 GMT+7

Vì sao giới giàu Mỹ mua nhiều kim cương hơn giữa đại dịch?

Hoài Thu

Trong tháng 8, giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, doanh thu trang sức cao cấp tại Mỹ đạt 5,25 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái

Giới giàu Mỹ chi nhiều tiền hơn cho trang sức kim cương giữa đại dịch - Ảnh: CNN.
Giới giàu Mỹ chi nhiều tiền hơn cho trang sức kim cương giữa đại dịch - Ảnh: CNN.

Theo CNN, đại dịch Covid-19 khiến sự chênh lệch giàu nghèo tại Mỹ càng trở nên rõ rệt. Trong khi nhóm 99% dân số phải chật vật vì công việc và thu nhập bị ảnh hưởng, thì nhóm 1% giàu có lại chi nhiều tiền hơn mua trang sức cao cấp. 

Edahn Golan, người sáng lập hãng nghiên cứu Edahn Golan Diamond Research & Data, cho biết doanh thu trang sức cao cấp tại Mỹ đã nhanh chóng phục hồi sau một thời gian bị đình trệ vì lệnh phong tỏa phòng dịch. Trong tháng 8, doanh thu trang sức cao cấp tại Mỹ là 5,25 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. 

KHỞI SẮC BẤT CHẤP ĐẠI DỊCH

Signet Jewelers, công ty sở hữu và vận hành các thương hiệu bán lẻ Kay Jewelers và Zales, tiết lộ doanh thu tất cả các loại trang sức của công ty trong tháng 8 đã tăng 10,9% so với một năm trước. 

Trong khi đó, Tiffany, chuỗi cửa hàng trang sức chịu ảnh huởng nặng nề bởi lượng du khách sụt giảm, tuần trước cũng cho biết doanh thu tại Mỹ của hãng tháng 8 và 9 dù vẫn thấp nhưng đã cải thiện đáng kể so với hồi tháng 5. Bên cạnh đó, bộ sưu tập kim cương và vàng mới của Tiffany ghi nhận doanh số khả quan. 

Sự trở lại nhanh chóng của ngành công nghiệp trang sức Mỹ với diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang mất dần động lực phục hồi. Các nhà kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ đang phục hồi theo hình chữ K, trong đó nhóm người giàu nhất nhanh chóng mua sắm bùng nổ trở lại, còn nhóm thu nhập thấp và trung bình thì ngược lại. 

Daniel Bachman, nhà dự báo kinh tế của Deloitte, nhận định đại dịch Covid-19 gây ra tác động không đồng đều với thị trường lao động.

"Các nhóm lao động ở vị trí thấp chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Và trực tế là họ cũng chẳng mua trang sức", Bachman nói. "Trong khi đó nhóm ở vị trí cao vốn sở hữu nguồn tài sản dư thừa và tỷ lệ tiết kiệm của họ cũng ở mức cao". 

DU LỊCH ÍT ĐI, MUA KIM CƯƠNG NHIỀU HƠN

Các hãng trang sức có lý do để tin rằng doanh số của họ sẽ tăng mạnh. 

"Ở tất cả thị trường trên thế giới, thứ cạnh tranh nhiều nhất với ngành kim cương chính là du lịch", Stephen Lussier, phó chủ tịch của De Beers - hãng khai thác kim cương lớn nhất thế giới - cho biết. "Khi tổ chức đám cưới, kỷ niệm đám cưới 10 năm, 25 năm, hay mừng thọ, điều lãng mạn nhất mọi người thường làm chính là đi du lịch". 

Vì sao giới giàu Mỹ mua nhiều kim cương hơn giữa đại dịch? - Ảnh 1.

Trang sức kim cương mang thương hiệu Forevermark của De Beers - Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, giờ đây, khi đại dịch khiến du lịch trở nên khó khăn hơn, trang sức kim cương đang là lựa chọn thay thế, ông Lussier cho biết. Tại Mỹ, từ tháng 7 đến nay, thương hiệu trang sức kim cương Forevermark của De Beers chứng kiến mức tăng trưởng hai con số. 

Trong khi đó, Jeffrey Gennette, CEO của chuỗi bách hóa Macy's, cũng cho biết doanh thu hàng xa xỉ của hãng đang "vượt kỳ vọng". 

"Có rất nhiều yếu tố lý giải cho điều này. Một trong số đó là khách hàng đã phải dừng các chuyến du lịch. Vì vậy, ngân sách dành cho du lịch được dùng để chi tiêu cho những sản phẩm khác", Gennette nhận định.

Macy's cho biết trong suốt đại dịch, khách hàng của họ có xu hướng "bị thu hút tới quầy trang sức, một phần bởi trang sức lưu trữ được giá trị". 

Trong khi đó, hãng trang sức Signet Jewelers cũng chứng kiến xu hướng tương tự với nhẫn đính hôn. Vì các cặp đôi không còn chi tiền tổ chức lễ cầu hôn vì dịch bệnh, "họ đầu tư mạnh tay hơn vào nhẫn kim cương", Jamie Singleton, chủ tịch của Signet Jewelers cho biết. 

Thương hiệu trang sức Van Cott Jewelers cho biết tình hình kinh doanh của họ đã khởi sắc trở lại sau thời gian bị buộc đóng cửa vào giữa tháng 3 vì đại dịch. Van Cott Jewelers mở cửa trở lại vào ngày 8/6 và từ đó đến nay doanh số trang sức kim cương của hãng tăng đáng kể. 

"Chúng tôi đã phải đóng cửa gần 3 tháng vì Covid-19. Tới tháng 7, doanh thu kim cương cao cấp đã tăng mạnh. Chúng tôi bán được rất nhiều trang sức kim cương giá từ 20.000-40.000 USD", bà Birdie Levine, chủ sở hữu Van Cott Jewelers, chia sẻ.

Bà cho biết khách hàng của Van Cott Jewelers gần đây muốn nâng cấp kim cương trên nhẫn đính hôn hoặc nhẫn cưới, hoặc mua món trang sức hoàn toàn mới. Nhờ đó, từ khi mở cửa trở lại, doanh thu trung bình của Van Cott Jewelers đã "cao hơn nhiều" dù chưa bằng với cùng kỳ năm ngoái. 

"Trang sức kim cương sẽ trở thành mặt hàng bán chạy vào kỳ nghỉ lễ. Chúng tôi dã nhập rất nhiều hàng để chuẩn bị", bà Levine cho biết. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate