May 04, 2024 | 17:12 GMT+7

Vì sao khoảng 70% các dự án về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn thất bại?

Hoàng Hà -

Để ứng dụng AI thành công trong doanh nghiệp, việc đầu tiên là “phải đi học”. Thứ hai là phải thay đổi mindset của người lãnh đạo, nếu không thay đổi được mindset của người lãnh đạo thì chỉ có thể … thay đổi lãnh đạo…

Hội thảo “AI và Quản trị doanh nghiệp” do Viện Quản trị & Công nghệ FSB (thuộc Đại học FPT) tổ chức sáng 4/5.
Hội thảo “AI và Quản trị doanh nghiệp” do Viện Quản trị & Công nghệ FSB (thuộc Đại học FPT) tổ chức sáng 4/5.

Nghiên cứu cho thấy thị trường AI toàn cầu năm 2023 có giá trị khoảng 196,63 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hàng năm của AI dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng hai chữ số, khoảng 37,3% từ năm 2023 đến năm 2030. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực AI.

Cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển AI là rất lớn vì công nghệ này được kỳ vọng mang lại hiệu quả đáng kể trong việc thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và giảm chi phí. Theo một khảo sát của McKinsey, hơn 10% các công ty được hỏi kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng doanh số từ 6-10% hoặc hơn 10%. 

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ ĐẠO ĐỨC VÀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN AI

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như công nghệ, tài chính, ngân hàng, y tế… đã đưa AI vào các quy trình nghiệp vụ, chiến lược quản trị, tổ chức và đã gặt hái được nhiều thành quả rực rỡ. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam như FPT, VNPT, Viettel, VinGroup… đều đã có những hướng tiếp cận, đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ, trong đó có AI.

Một số người thường có quan niệm rằng AI sẽ thay thế con người, và thực tế là AI có thể thực hiện điều này trong một số khía cạnh của cuộc sống. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận định rằng 40% công việc trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của AI. Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty FPT Smart Cloud, AI cũng tạo ra nhiều công việc mới. 

“Chúng ta có thể xem AI như một cỗ máy và con người là người điều khiển cỗ máy đó. Nếu chúng ta nghĩ mình là cỗ máy, chúng ta có thể sẽ bị thay thế; nhưng nếu chúng ta nghĩ mình là người điều khiển cỗ máy, thì chúng ta sẽ trở nên năng suất hơn”, ông Lê Hồng Việt cho biết tại hội thảo “AI và Quản trị doanh nghiệp” do Viện Quản trị & Công nghệ FSB (thuộc Đại học FPT) tổ chức sáng 4/5.

Mặc dù vậy, có một thực tế là hiện nay, việc lạm dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Chia sẻ về điều này, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, đề cập đến những trường hợp như các kỹ sư phần mềm có thể nhập yêu cầu của khách hàng vào ChatGPT để nhận được đoạn mã code, hay thậm chí nhân viên sử dụng ChatGPT để phân tích các báo cáo tài chính dài hơn 300 trang. Mặc dù điều này mang lại kết quả tốt, nhưng cũng đồng thời tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu.

Thậm chí, trong giáo dục và doanh nghiệp, giáo viên và nhà quản lý đang gặp khó khăn vì sinh viên và nhân viên sử dụng ChatGPT để hoàn thành bài tập, đồ án và báo cáo khoa học. Tại Việt Nam, hiện chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề này. Thực tế, đối với các tổ chức lớn, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, không thể phủ nhận tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo, nhưng họ không thể sử dụng các ứng dụng công cộng. Do đó, nhiều tổ chức như ngân hàng và các doanh nghiệp lớn đang xây dựng các phiên bản ChatGPT dành riêng cho mình. Phiên bản đó không quá giỏi như ChatGPT nhưng lại rất giỏi trong lĩnh vực riêng của họ.

“Tôi nghĩ luật pháp thường đi chậm hơn so với thực tiễn cuộc sống, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không đặt ra những vấn đề nghiêm túc”, ông Hoàng Nam Tiến nói.

“Chúng ta cần đưa ra các quy định ngay từ bây giờ, bởi vì việc cấm đoán hoàn toàn không phải là giải pháp - cấm nghĩa là chúng ta “bế quan tỏa cảng” và sẽ gặp hậu quả tụt hậu. Nhưng mở thì phải mở như thế nào? Tôi nghĩ, hiểu biết đến đâu chúng ta sẽ đặt cái mốc, cái ngưỡng, cái barrie ở đấy và luôn luôn hành động với tinh thần sẵn sàng thay đổi để giải quyết vấn đề”.

Cũng bàn về việc sử dụng AI như thế nào để hiểu quả và phù hợp về mặt đạo đức, ông Lê Hồng Việt cho rằng khi làm việc với trí tuệ nhân tạo, một trong những vấn đề đầu tiên phải đối mặt là "độ sạch của dữ liệu”. Theo đó, trí tuệ nhân tạo học từ dữ liệu đầu vào, vì vậy người ra quyết định trong việc cung cấp dữ liệu cho trí tuệ nhân tạo rất quan trọng, không thể đưa vào các loại dữ liệu không được kiểm chứng về độ chính xác.

Thứ hai là vấn đề "ảo giác" của AI tạo sinh. “AI có thể tạo ra các đoạn văn có vẻ logic và thực tế, nhưng hoàn toàn không đúng sự thật. Do đó, chúng ta cần thiết lập hành lang để đảm bảo thông tin mà AI đưa ra nằm trong giới hạn này. Nếu thông tin vượt ra ngoài phạm vi đó, hệ thống sẽ từ chối trả lời hoặc trả lời theo cách chung chung để tránh tạo ra ảo giác và đánh lừa người dùng”, ông Lê Hồng Việt nói.

NHÀ LÃNH ĐẠO TƯƠNG LAI PHẢI AM HIỂU CÔNG NGHỆ, CỤ THỂ LÀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ DỮ LIỆU LỚN

Bàn về câu chuyện các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực tài chính và nhân sự hạn chế, liệu có thể ứng dụng AI hay không, theo ông Lê Hồng Việt, hiện nay, một khái niệm mới về trí tuệ nhân tạo đang được đề cập đến là "AI as a service”. Điều này có nghĩa là mọi công nghệ đều được cung cấp dưới dạng dịch vụ, cho phép các công ty sử dụng ngay lập tức và chỉ trả tiền khi sử dụng. Ví dụ, chatbot có thể được thanh toán dựa trên số lượng tin nhắn mà nó xử lý, còn ChatGPT được tính phí theo số lượng câu hỏi mà người dùng đặt ra.

“Việc AI có rẻ hay không phụ thuộc vào mức độ ứng dụng của nó trong doanh nghiệp”, ông Việt nói. “Ví dụ, nếu AI có thể thay thế đội ngũ từ 1-2 người và cung cấp hỗ trợ khách hàng 24/7 với thời gian phản hồi trong vòng năm giây, giá trị của việc này mang lại có thể được đánh giá bằng số tiền mà nó giúp tiết kiệm”.

“Chúng ta cần so sánh với giá trị mà AI mang lại để đánh giá xem liệu chi phí có hợp lý hay không. Trên thực tế, có những khách hàng chỉ có 5-10 nhân viên, nhưng vẫn có thể sử dụng AI một cách hiệu quả. Từ góc nhìn của chúng tôi, việc sử dụng AI khá dễ dàng và rẻ”, lãnh đạo FPT Smart Cloud nói.

Một khái niệm mới về trí tuệ nhân tạo đang được đề cập đến là "AI as a service”. Ảnh minh họa
Một khái niệm mới về trí tuệ nhân tạo đang được đề cập đến là "AI as a service”. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không ít lãnh đạo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp SME băn khoăn về mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo với AI, hay cụ thể hơn là cần trang bị những kỹ năng gì về AI để sử dụng hiệu quả công cụ này. Theo ông Hoàng Nam Tiến, “nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu về công nghệ. Cụ thể công nghệ ở đây là trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn”.

“Để ứng dụng AI thành công trong doanh nghiệp thì việc đầu tiên là phải đi học”, ông Hoàng Nam Tiến nói. “Thứ hai là phải thay đổi mindset của người lãnh đạo, nếu không thay đổi được mindset của người lãnh đạo thì chỉ có thể … thay đổi lãnh đạo”.

Bởi vì, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng khi triển khai các dự án về trí tuệ nhân tạo. Khi có bất kỳ sự thay đổi hay ứng dụng mới nào, ban đầu có thể gặp nhiều khó khăn, nếu người lãnh đạo chỉ giao việc này cho trưởng phòng công nghệ thông tin mà không tham gia trực tiếp, nguy cơ thất bại sẽ cao. 

“Thực tế cho thấy khoảng 70% các dự án về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn thất bại, bởi vì người lãnh đạo giao trách nhiệm này cho cấp dưới mà không trực tiếp chỉ đạo hoặc tham gia sâu hơn. Đấy là thực tiễn mà tôi gặp phải”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.

Và theo kinh nghiệm của mình, ông Hoàng Nam Tiến khẳng định vai trò của CEO (Tổng giám đốc), COO (Giám đốc điều hành) và CFO (Giám đốc tài chính) là quan trọng nhất trong quá trình triển khai trí tuệ nhân tạo. Các lãnh đạo công nghệ đóng vai trò hỗ trợ, nhưng người tạo ra động lực để thúc đẩy sự thay đổi phải là CEO, COO và CFO.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate