August 22, 2024 | 19:26 GMT+7

Vì sao người tiêu dùng vẫn đổ xô tới Walmart?

Băng Hảo -

Các nhà phân tích bán lẻ cho biết, nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ đã sử dụng quy mô và sức mua của mình để giữ giá thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh ngay cả khi lạm phát tăng cao kể từ đại dịch…

Ảnh: CNBC
Ảnh: CNBC

Theo các nhà phân tích tại Evercore IRI, các cửa hàng tạp hóa chiếm hơn một nửa doanh số bán hàng của Walmart và công ty này đã được hưởng lợi về giá với mức thấp hơn khoảng 25% so với các siêu thị truyền thống. Trong khi những người mua sắm có thu nhập thấp và trung bình theo truyền thống đã hình thành nên cơ sở khách hàng cốt lõi của Walmart, thì Walmart cũng đã phát triển được danh tiếng của mình đối với tệp khách hàng kiếm được hơn 100.000 USD/năm.

Trong cuộc họp báo cáo thu nhập vào tuần trước, Giám đốc điều hành Doug McMillon cho biết Walmart đã không chứng kiến ​​một người tiêu dùng suy yếu như một số nhà đầu tư lo ngại. Ngược lại, người mua hàng vẫn lũ lượt đến Walmart, bất kể họ kiếm được bao nhiêu tiền.

Ông McMillon nói: "Chúng tôi hận thấy mức độ tương tác cao hơn giữa các nhóm thu nhập, trong đó các hộ gia đình có thu nhập cao tiếp tục chiếm phần lớn lợi nhuận, ngay cả khi chúng tôi tăng doanh số bán hàng và chia sẻ giữa các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp".

Walmart báo cáo sự gia tăng về danh mục sức khỏe và thể chất cũng như số lượng thành viên Sam's Club (hay Sam's West, Inc. - một chuỗi cửa hàng bán lẻ câu lạc bộ nhà kho chỉ dành cho thành viên của Mỹ được sở hữu và điều hành bởi Walmart Inc.) ở các mức thu nhập. Đó là sự tiếp nối của mô hình mà Walmart nhận thấy vào đầu năm nay về việc người tiêu dùng có thu nhập cao hơn thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng.

Walmart cũng đã phát triển được danh tiếng của mình đối với tệp khách hàng kiếm được hơn 100.000 USD/năm.
Walmart cũng đã phát triển được danh tiếng của mình đối với tệp khách hàng kiếm được hơn 100.000 USD/năm.

Ông Neil Saunders, nhà phân tích tại GlobalData Retail cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng: “Hầu hết người Mỹ vẫn không thoải mái với giá thực phẩm và vẫn đang tích cực tìm cách kiểm soát chi tiêu của mình. Điều này đã mang lại lợi ích cho Walmart và cho phép chuỗi tiếp tục có được khách hàng mới”. Do thị trường việc làm chậm lại, người tiêu dùng ít sẵn sàng chi tiền cho những hàng hóa tùy ý và mua hàng gia dụng lớn. Tuy nhiên, họ lại chi mạnh tay cho những hàng hóa giá rẻ và hàng tạp hóa.

Chính những loại sản phẩm này đã thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng của Walmart, dẫn đầu là thương hiệu nhãn hiệu riêng Bettergoods, được ra mắt vào đầu năm nay. Với bao bì sáng sủa và một loạt các sản phẩm cao cấp và có nguồn gốc từ thực vật, nhãn hiệu này đã thu hút các hộ gia đình có thu nhập cao hơn đang tìm kiếm các sản phẩm cao cấp hơn và tốt cho sức khỏe hơn với giá cả phải chăng. Theo dữ liệu tháng 5 từ công ty nghiên cứu thị trường YouGov, người tiêu dùng có thu nhập cao thực sự có nhiều khả năng cân nhắc mua hàng từ Walmart hơn các nhà bán lẻ khác như Whole Foods và Trader Joes.

Những người mua sắm thu nhập cao cũng có nhiều khả năng mua sắm trực tuyến và giao hàng tạp hóa cho họ nhiều hơn, một xu hướng trùng khớp với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển của Walmart, tăng trưởng 21% trên toàn cầu trong quý này. Trong giai đoạn này, số lượng khách hàng trực tuyến hoạt động hàng tuần đã tăng 20% ​​và lượng giao hàng tại cửa hàng tăng vọt 50% do Walmart hứa giao hàng nhanh chóng từ một đến ba giờ.

Theo CNBC, các nhà bán lẻ giảm giá khác cũng nhận thấy xu hướng của những người mua sắm giàu có hơn. Giám đốc điều hành Dollar General, Todd Vasos, nhận định những người tiêu dùng có thu nhập cao hơn sẽ tiếp tục tập trung vào các thương hiệu giá rẻ, một dấu hiệu cho thấy không chỉ tiêu dùng thận trọng mà còn cho thấy người mua hàng đang thử nghiệm xem nên tiết kiệm và vung tiền ở đâu.

Người tiêu dùng ít sẵn sàng chi tiền hơn cho những hàng hóa tùy ý và mua hàng gia dụng lớn nhưng lại chi mạnh tay cho những hàng hóa giá rẻ.
Người tiêu dùng ít sẵn sàng chi tiền hơn cho những hàng hóa tùy ý và mua hàng gia dụng lớn nhưng lại chi mạnh tay cho những hàng hóa giá rẻ.

Theo hãng tin AP, người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng chuyển sang tìm mua các mặt hàng giảm giá hoặc đã qua sử dụng, đồng thời cắt giảm tối đa chi phí cho những thứ không phải nhu yếu phẩm. Một số công ty lớn của Mỹ như Amazon, Disney đến Yum Brands đều ghi nhận ngày càng nhiều khách hàng của họ tìm đến các sản phẩm và dịch vụ giá rẻ hơn.

Chia sẻ với tờ Financial Times, Hugh Johnston, Giám đốc tài chính của Disney, thừa nhận nhiều địa điểm giải trí của công ty này đã mất một số lượng lớn khách tham quan giàu có từ Mỹ vào tay những địa điểm khác. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng hạn chế hơn việc mua thú nhồi bông và đồ lưu niệm, dẫn đến lượng sản phẩm tiêu dùng mua tại các công viên giải trí và nhà bán lẻ của Disney giảm tới 5% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát kéo dài kéo theo việc tăng chi phí thực phẩm cùng nhiều mặt hàng khác, dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân Mỹ phải “thắt lưng buộc bụng”, nhất là các hộ có thu nhập trung bình và thấp, vốn có nguồn tài sản thanh khoản, như tiền gửi ngân hàng, ít hơn đáng kể so với trước thời kỳ đại dịch Covid-19. Những căng thẳng tài chính trên gây nhiều rủi ro đối với túi tiền của người tiêu dùng, vốn là trụ cột của nền kinh tế Mỹ.

Nhiều công ty lớn như Amazon hay Yum Brands đã “đánh hơi” được điều này, nên đã đưa ra những chủ trương đẩy giá bán trung bình xuống thấp hơn, và sẽ tiếp tục giảm nếu có thể.  Trong quý vừa qua, doanh số bán hàng tại các cửa hàng Target mở cửa từ một năm trở lên đã tăng 2%, lợi nhuận công ty tăng mạnh 36%, cũng nhờ chiến lược giảm giá. Công ty này đã hạ giá bán hơn 5.000 mặt hàng thường được mua tại các cửa hàng nhằm thu hút khách hàng. Chiến lược này đã phát huy hiệu quả, lượng khách ghé thăm các cửa hàng Target tăng 3% trong quý vừa qua.

Tại Walmart, khoảng một nửa doanh số đến từ thực phẩm.
Tại Walmart, khoảng một nửa doanh số đến từ thực phẩm.

Tuy nhiên, hơn một nửa số hàng hóa của Target là những mặt hàng không thiết yếu. Mặc dù Target đã bổ sung thực phẩm và nhu yếu phẩm vào các cửa hàng trong những năm gần đây, nhưng vẫn tụt hậu so với Walmart, nơi có khoảng một nửa doanh số đến từ thực phẩm. Nhờ việc người tiêu dùng đang tập trung vào các nhu yếu phẩm, đồng thời chỉ chi tiêu chọn lọc cho các mặt hàng không thiết yếu, doanh số bán hàng của Walmart tại các cửa hàng ở Mỹ mở cửa từ một năm trở lên đã tăng 4,2% trong quý vừa qua.

Trong khi người tiêu dùng đổ tiền vào Walmart hay Target, họ lại cắt giảm chi tiêu ở những nơi khác. Starbucks và McDonald’s đang gặp khó khăn khi người tiêu dùng quay lưng do đà tăng của giá đồ ăn nhanh và chọn các bữa ăn tự nấu tại nhà.

Home Depot và Lowe’s cũng chứng kiến doanh số giảm do người Mỹ thực hiện ít các dự án cải tạo nhà cửa lớn. Macy’s cũng bị ảnh hưởng khi người tiêu dùng chuyển sang các chuỗi cửa hàng giảm giá. Doanh số bán hàng của Macy’s tại các cửa hàng mở cửa từ một năm trở lên đã giảm 4%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate