April 20, 2021 | 12:38 GMT+7

Vì sao tác phẩm của họa sỹ Mai Trung Thứ luôn có giá rất cao?

Tuệ Mỹ

Phiên đấu giá mà bức tranh tham gia là "Beyond Legends: Modern Art Evening Sale" tại Sotheby's. Ban đầu, tác phẩm được ước tính đạt mức từ 900 nghìn đến 1,2 triệu USD (hơn 27 tỷ đồng), tuy nhiên khi được đấu giá, con số lại ngày càng nâng lên cao và dừng ở mức 2,573 triệu USD (hơn 57 tỷ đồng). Sau khi tính thuế phí, bức tranh đạt 3,1 triệu USD, trở thành là bức tranh Việt có mức giá ước chừng cao nhất từ trước đến nay.
"Chân dung Madam Phương" là tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980), một trong bốn danh họa Việt Nam xuất thân từ trường Mỹ Thuật Đông Dương và thành danh ở Pháp. Bức tranh sơn dầu có kích thước 135,5 x 80cm được thực hiện vào khoảng năm 1930, trên tranh có chữ ký của họa sĩ. Người mẫu trong bức tranh sơn dầu là một phụ nữ trẻ thuộc tầng lớp quý tộc Hà Nội. Bức tranh được Sotheby's miêu tả "là một tác phẩm hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Bức tranh lôi cuốn này còn thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc của Mai Thứ đối với người mẫu, một quý cô được đồn đại là người yêu của nghệ sĩ".
Vì sao tác phẩm của họa sỹ Mai Trung Thứ luôn có giá rất cao? - Ảnh 1.

Bức tranh "Chân dung Madam Phương ("Portrait de Mademoiselle Phuong)

Chân dung Madam Phương trưng bày lần đầu tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930. Sau đó, tác phẩm được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris. Đây là một cuộc triển lãm kéo dài 6 tháng, thu hút hơn 33 triệu lượt tham quan từ Pháp và quốc tế. Chương trình đã mở cánh cửa quan trọng cho họa sĩ Việt Nam sang châu Âu. Từ đó đến nay, tác phẩm Chân dung Madam Phương thuộc sở hữu của bà Đỗ Thị Lan (hay còn được biết đến với cái tên Madam Dothi Dumonteil). Bà cùng với chồng mình Pierre Dumonteil – một nhà sưu tập nghệ thuật có tiếng – đã sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam. Khoảng thời gian giữa thế kỉ XX, Việt Nam có bốn danh họa lớn được mệnh danh là "tứ kiệt", bao gồm: Phổ - Thứ - Lựu - Đàm. Trong đó, Mai Trung Thứ là danh họa chuyên về tranh lụa, liên tục "thổi" vào những kiệt tác của mình màu sắc tươi mới, tập trung chủ yếu các đề tài phụ nữ, trẻ em, văn hóa Á Đông. Tuy phần lớn cuộc đời hoạt động ở Pháp, thế nhưng Mai Trung Thứ vẫn được nhiều người biết đến là họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.
Vì sao tác phẩm của họa sỹ Mai Trung Thứ luôn có giá rất cao? - Ảnh 2.

Bức tranh "Chuyện trò" ("Conversation") của Mai Trung Thứ.

Hầu hết các tác phẩm nổi tiếng của ông đều gắn liền với đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc Á Đông. Đặc biệt, những bức tranh thiếu nữ của Mai Trung Thứ gợi nhớ một nét đẹp duyên dáng, thùy mị với hình dáng mảnh mai, thon thả, yêu kiều, đặc biệt là đôi mắt. Ông diễn tả đôi mắt thiếu nữ mà nhiều người vẫn coi là cửa sổ tâm hồn thật đa sầu, đa cảm. Nhân vật trong tranh của ông đều có đôi mắt buồn vô cớ, tư lự mà những ai đã một lần xem tranh thiếu nữ của ông sẽ mãi mãi nhớ nhung. Hầu hết các chuyên gia thẩm định nghệ thuật và các nhà sưu tầm đều cho rằng tranh của cố danh họa Mai Trung Thứ với lối xử lý màu đặc sắc, kĩ thuật phối xanh, đỏ, cam, vàng trên chất liệu lụa truyền thống cực kì xuất sắc. Bởi vậy, mỗi sản phẩm tranh của cố hoa sĩ Mai Trung Thứ luôn đạt được mức giá rất cao trong những cuộc đấu giá tại nước ngoài.
Vì sao tác phẩm của họa sỹ Mai Trung Thứ luôn có giá rất cao? - Ảnh 3.

Bức tranh "Khỏa thân" ("Nu") trong triển lãm năm 2019 tại Hồng Kông

Trong một phiên đấu giá vào tháng 11/2019 tại Hong Kong, bức họa với chất liệu lụa mang tên Nu (Khỏa thân) của cố họa sĩ Mai Trung Thứ cũng từng được bán với giá 459.588 USD (tương đương gần 11 tỷ đồng), cao gấp 7 - 8 lần so với giá khởi điểm. . Bức họa này được xem như một kiệt tác phỏng theo La Grande Odalisque của họa sĩ Jean-Auguste Dominique Ingres nổi tiếng thế kỉ XIX.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate