Đơn cử như tại thành phố Sầm Sơn, những dự án Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai gồm: Dự án bãi đỗ xe và khu nhà dịch vụ tổng hợp INTIMEX Sầm Sơn, tại phường Tường Sơn. Dự án do Công ty Cổ phần Intimex làm chủ đầu tư với diện tích đất thực hiện dự án hơn 6.760 m2 được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất tại Quyết định số 1494 năm 2016.
Dự án khu biệt thự cao cấp phường Quảng Cư, do Công ty Điện tử, tin học viễn thông EITC làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Thanh Hóa lựa chọn nhà đầu tư theo Quyết định số 3338 năm 2010 và Quyết định số 3147 năm 2014. Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Nam Sầm Sơn tại phường Quảng Vinh, do Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất đợt 1 tại Quyết định số 4744 năm 2018, diện tích 22.540 m2....
Đến thời điểm hiện tại thành phố Sầm Sơn có 3 dự án đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi và bàn giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thanh Hóa.
Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa lý giải có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, một là xuất từ phía chủ đầu tư, hai là từ phía cơ quan nhà nước.
Cụ thể nguyên nhân từ phía chủ đầu tư như: Đại dịch Covid-19, ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc thu xếp nguồn vốn, nguồn lao động và việc thi công đầu tư dự án.
Một số nhà đầu tư khi xây dựng dự án có tính khả thi không cao, do xây dựng mục tiêu, quy mô chưa sát với tình hình thực tế; hoặc do năng lực tài chính yếu, năng lực quản lý đầu tư dự án hạn chế, giữ đất để tìm kiếm liên kết hoặc chờ cơ hội để chuyển nhượng dự án; hoặc do chưa tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện dự án dẫn đến thực hiện thủ tục đầu tư dự án chậm trễ hoặc sai phạm... dẫn đến dự án chậm tiến độ.
Tiếp đến, xuất phát nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước như: Công tác phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn của một số sở, ngành, UBND cấp huyện đối với các nhà đầu tư có lúc có nơi trách nhiệm chưa cao, chưa kịp thời. Thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến dự án (cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy...) còn tương đối dài, liên quan đến nhiều ngành. Công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát về đất đai chưa được thường xuyên, chưa có hệ thống quản lý thông tin đất đai hiện đại.
Việc cơ quan nhà nước điều chỉnh quy hoạch xây dựng hoặc định hướng lại sự phát triển của các tuyến đường tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến dự án, dẫn đến phải điều chỉnh dự án, làm chậm tiến độ thực hiện.
Để giải quyết “bài toán” nan giải trên, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa Lê Sỹ Nghiêm đã đề xuất một số giải pháp.
Cụ thể đối với các dự án chậm tiến độ đầu tư nhưng chưa quá 24 tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đôn đốc các chủ đầu tư tập trung tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, hoàn thành đưa dự án vào sử dụng. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, chủ đầu tư chủ động báo cáo, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn, giải quyết.
Đối với các dự án chậm tiến độ đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng: Đối với những dự án chủ đầu tư có năng lực tài chính yếu hoặc mục tiêu, quy mô dự án không còn phù hợp thì hướng dẫn chủ đầu tư tự nguyện trả đất (theo luật đất đai) hoặc báo cáo chấm dứt dự án đầu tư (theo luật đầu tư) để tránh lãng phí nguồn lực của cả Nhà nước và chủ đầu tư.
Tiếp tục rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư chậm tiến độ và đã được gia hạn sử dụng đất khẩn trương tập trung tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đảm bảo thời gian.
Yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện việc báo cáo định kỳ về tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ sử dụng đất. Trường hợp không hoàn thành dự án trong thời gian được gia hạn thì tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành trong việc tham mưu đánh giá đúng năng lực tài chính, kinh nghiệm của chủ đầu tư; phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành, các đơn vị có liên quan theo dõi dự án sau khi được chấp thuận đầu tư, giao đất, cho thuê đất: Cụ thể như việc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, giám sát tiến độ đầu tư của các dự án sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư; chủ trì, phối hợp với các ngành và chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa theo dõi tiến độ thực hiện các dự án chậm tiến độ đầu tư chưa quá 24 tháng; thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các dự án được gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng và do bất khả kháng; xây dựng hệ thống quản lý thông tin đất đai hiện đại; bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất của các dự án trên địa bàn. Giao Thanh tra tỉnh và các Sở, ngành có liên quan phối hợp, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư. Kiên quyết chấm dứt dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư; thu hồi đất các dự án vi phạm quy định pháp luật đất đai.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, đối với các dự án chậm chưa quá 24 tháng thì các đơn vị sở, ngành, địa phương phải đôn đốc thực hiện nếu vướng mắc thì phải phối hợp các cơ quan chức năng, yêu cầu nhà đầu tư phải báo cáo theo định kỳ.
Trường hợp các nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ, chậm tiến độ, không triển khai dự án thì kiên quyết thu hồi đất các dự án vi phạm pháp luật về đất đai.