Mặc dù chứng khoán toàn cầu cũng như giá hàng hóa cơ bản đã phục hồi trở lại trong phiên sáng đầu tuần, nhưng chứng khoán Việt Nam đến hôm nay mới phản ánh rủi ro về biến chủng Covid mới. Hàng loạt cổ phiếu giảm giá mạnh, kéo VN-Index giảm sâu, bất chấp trụ VIC đang nỗ lực “gỡ điểm”.
Cú sụt mạnh 1,89% của VN-Index và 1,62% của VN30-Index ngay đầu phiên không phải là diễn biến bất ngờ. Phiên cuối tuần trước mặc dù chứng khoán thế giới rực lửa, nhưng thị trường Việt Nam “may mắn” đóng cửa trước. Lực bán bồi đến phiên đầu tuần mới xuất hiện.
Độ rộng cực hẹp trong phiên sáng nay xác nhận đợt bán ra trên diện rộng và lực cầu bắt đáy chỉ “rình” ở giá rất thấp. Ảnh hưởng đầu tiên đến các chỉ số là cú sụt sâu của nhóm blue-chips. VN-Index tạo đáy sâu nhất khoảng 9h30, nhưng độ rộng của chỉ số tạo đáy sớm hơn, khoảng 9h20 với 42 mã tăng/371 mã giảm. Sức ép của nhóm blue-chips tạo ảnh hưởng rất lớn và có tính lan tỏa cao.
Hi vọng duy nhất trong nhóm blue-chips là VIC, tăng hơn 2,5% trong khi các chỉ số đồng loạt tìm đáy đầu phiên. Cổ phiếu này càng về giữa phiên càng tăng tốt. VIC đạt đỉnh lúc 10h08, tăng 6,4% so với tham chiếu, là động lực chính giúp VN-Index thoát đáy. Cổ phiếu này cũng lôi kéo VHM tăng cùng nhịp, mã này đạt đỉnh cùng VIC, tăng 1,8%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng là một bất ngờ sáng nay, nhiều mã đi ngược dòng phục hồi rất sớm. SSI mở cửa giảm 1,87% nhưng chỉ gần 10h đã quay lại tham chiếu, sau đó đi ngang ở vùng tăng. Chốt phiên sáng cổ phiếu này tăng 0,56%. VND, HCM cũng diễn biến tương tự, chốt phiên tăng tương ứng 1,15% và 0,1%. Một số mã nhỏ như IVS, CSI, APS, EVS, TVS, DSC, VIG, VIX, MBS cũng tăng về cuối phiên. Tuy vậy thanh khoản chỉ đáng chú ý tại SSI, với 1,101,7 tỷ đồng, dẫn đầu thị trường.
Nhóm bất lợi nhất sáng nay là ngân hàng. Toàn bộ 27 mã ngân hàng trên 3 sàn cùng giảm giá. Duy nhất 2 cổ phiếu giảm tương đối nhẹ là CTG giảm 0,44%, TPB giảm 0,84%, còn lại đều mất hơn 1% giá trị. Các mã lớn giảm rất sâu là VCB giảm 2,48%, TCB giảm 2,78%, BID giảm 2,53%, VPB giảm 1,91%, MBB giảm 2,31%... Trong 10 cổ phiếu kéo lùi VN-Index nhiều nhất thì ngân hàng chiếm 6 mã.
Ảnh hưởng của nhóm này lên VN30 còn lớn hơn nhiều. Trong khi VN-Index chốt phiên sáng co hẹp mức giảm còn 0,97%, tương đương 14,55 điểm, thì VN30-Index đang giảm 1,23%. Độ rộng của rổ Vn30 chỉ có 4 mã tăng/26 mã giảm. MSN mất 2,54%, GAS giảm 1,96%, NVL giảm 2,26% cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chỉ số này.
Thị trường chịu áp lực giảm giá sáng nay là điều hết sức bình thường. Điều quan trọng là nhà đầu tư sẽ phản ứng thế nào. Sau khi chạm đáy lúc 9h30, các chỉ số đã hồi lên dần, kết hợp với độ rộng cải thiện. Sàn HoSE kết phiên sáng với 122 mã tăng/362 mã giảm, độ rộng vẫn rất hẹp nhưng ít nhất đã có diễn biến đảo chiều thành công. Thậm chí hiện vẫn ghi nhận 22 mã đang tăng kịch trần, nhiều mã thanh khoản rất tốt như FCN, LCG, HAG, JVC, TLH, CRE, IDI, VGC, DRH...
Dường như dòng tiền lại đang bắt đáy tốt hơn trong rổ Smallcap khi chỉ số này từ mức giảm 2,35% đã co lại còn giảm 0,43%. Độ rộng của smallcap cũng cải thiện với 54 mã tăng/125 mã giảm. Thanh khoản rổ hiện đạt 3.115,2 tỷ đồng. Mức nay tuy mới bằng 61% giao dịch của phiên thứ Sáu tuần trước, nhưng nếu so với những phiên đầu tuần trước thì cũng đã gần tương đương cả ngày giao dịch.
Thanh khoản tốt nhất sáng nay là nhóm VN30, khớp lệnh 8.325,2 tỷ đồng, tăng gần 7% so với sáng phiên trước. Top 10 thanh khoản thị trường thì có 8 mã thuộc rổ này. VIC, VHM tăng rất tốt nhưng thanh khoản nằm ở nhóm cuối. Giao dịch cao nhất sau SSI là TCB, STB, VPB và HPG. Dù vậy lực cầu bắt đáy ở nhóm này nói riêng hay cổ phiếu ngân hàng nói chung vẫn rất thụ động. Nhà đầu tư chủ đạo là căng lệnh chờ khối lượng tháo chạy. Lối giao dịch này khiến thanh khoản tuy cao nhưng khả năng hồi giá bị giới hạn. Hiện chỉ có CTG, TPB, VPB là thoát đáy được trên 1%, còn lại không đáng kể.
Dù vậy mức thanh khoản chung khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng khoảng 6%, đạt 21.733 tỷ đồng cũng cho thấy có lực cầu đỡ khá tốt. Mức giảm trên 2% ở HoSE sáng nay tới 114 mã, HNX là 90 mã nên giá trị giao dịch đã bị giảm theo giá cổ phiếu. Điều còn thiếu là lực cầu vẫn chờ đợi, thay vì nâng dần giá mua lên. Bất chấp đà phục hồi trên thị trường chứng khoán khắp thế giới, nhà đầu tư vẫn đang thận trọng cao.
Khối ngoại không bán ròng nhiều trong phiên sáng, HoSE mới bị rút đi khoảng 131 tỷ đồng ròng. HCM đang bị xả lớn nhất với 122 tỷ, VPB khoảng 82 tỷ, HDB hơn 76 tỷ, PNJ hơn 68 tỷ. Phía mua có CTG tới 104,4 tỷ đồng. Còn lại chỉ có VRE, STB là đáng kể.