Thị trường phản ứng tiêu cực hơn trong phiên chiều nay khi đại đa số cổ phiếu blue-chips đều trượt dốc và giá thấp hơn phiên sáng. Độ rộng của VN-Index cũng co hẹp lại khá nhanh, thể hiện áp lực bán gia tăng trên bình diện chung. VIC ảnh hưởng đặc biệt mạnh tới chỉ số khi bốc hơi 2,95% giá trị.
Hôm nay không phải là phiên đầu tiên VIC làm tổn hại tới VN-Index. Xu hướng giảm của “siêu trụ” này đã khởi động từ đầu tháng 12. Các phiên tăng xuất hiện xen kẽ, nhưng chỉ có 7/19 là tăng giá.
VN-Index từ đỉnh của VIC (ngày 2/12) đến hôm nay tăng 3,77 điểm thì VIC khiến chỉ số này mất xấp xỉ 10 điểm. Đó là điều may mắn vì mức giảm ở VIC đã được các cổ phiếu khác cân bằng lại. Tuy nhiên hôm nay sức ảnh hưởng của VIC vượt trội, vì không có cổ phiếu này khả dĩ cân bằng được.
VN-Index đạt đỉnh cao nhất đầu phiên tới mốc 1.498,91 điểm. Đó là lúc VIC mới giảm khoảng 0,5% so với tham chiếu. Toàn bộ thời gian phiên sáng VN-Index giằng co đi ngang dưới tham chiếu cũng là do VIC triệt tiêu hết động lực của các cổ phiếu khác. Chiều nay VIC sập sâu hơn đáng kể, trong khi VN30 từ chỗ có 12 mã còn tăng giá thì buổi chiều còn 8 mã, số giảm duy trì 16 mã, nhưng mức giảm lại lớn hơn phiên sáng.
Tính riêng phiên chiều, VIC, VHM và VRE là ba cổ phiếu lớn giảm mạnh nhất. So với giá cuối phiên sáng, VIC giảm thêm 1,24% nữa, tổng thể giảm 2,95% lúc đóng cửa. VHM giảm thêm 1,2%, tổng giảm 1,33%. VRE giảm thêm 1,77%, chốt dưới tham chiếu 0,81%. Số khác tụt giá trên 1% phiên chiều là HDB, GVR, KDH, MBB, PNJ, POW, STB. Thống kể chung trong rổ VN30, phiên chiều có 23 cổ phiếu tụt giá sâu hơn phiên sáng, chỉ 7 mã có cải thiện. Như vậy, dù số lượng cổ phiếu đỏ cuối phiên vẫn tương đương buổi sáng, blue-chips thực chất yếu đi đáng kể buổi chiều.
Đó cũng là nguyên nhân khiến cả VN-Index lẫn VN30-Index chiều nay lao dốc một cách rõ ràng. Không chỉ VIC và VHM kéo xuống, lực nâng đỡ bù trừ của các cổ phiếu khác cũng yếu đi theo. VN-Index một lần nữa không thể chinh phục ngưỡng 1500 điểm, đóng cửa để mất 8,57 điểm tương đương 0,57%. VN30-Index giảm 0,5%.
Nhóm VN30 yếu cũng dẫn dắt xu hướng giảm chung của các cổ phiếu còn lại. Độ rộng cuối phiên sáng của VN-Index là 212 mã tăng/227 mã giảm thì kết phiên chỉ còn 196 mã tăng/248 mã giảm.
Nhóm smallcap trụ giá tốt nhất, chỉ số vẫn tăng 0,17% với 74 mã tăng/90 mã giảm. Hầu hết các mã mạnh kịch trần buổi sáng trên HoSE vẫn duy trì được sức mạnh. Đây là điểm sáng cho thấy khả năng tạo sức ép ở các blue-chips chưa khiến dòng tiền nóng lo ngại. Mặt khác, dù các chỉ số lao dốc nhưng áp lực chính cũng đến từ trụ. Ngoài VIC, VHM, VRE, còn có GAS giảm 1,12%, GVR giảm 2,51%, MWG giảm 1,03%, STB giảm 1,83%. Các mã khác giảm rất nhẹ.
Thanh khoản phiên chiều tiếp tục yếu, hai sàn niêm yết khớp 10.764 tỷ đồng, giảm tới 31% so với phiên sáng. Cầu yếu và chỉ chặn mua giá thấp nên rủi ro giảm giá đã gia tăng, nhất là khi VN-Index liên tục gặp khó khăn tại ngưỡng 1500 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngược dòng khá bất ngờ là chứng khoán dù các mã lớn của nhóm này không thật sự xuất sắc. CTS là mã duy nhất kịch trần. CSI, WSS, AGR, ART, TCI, BSI là các mã tăng trên 4%. Nhóm tăng trên 2% là HAC, BVS, SBS, EVS, MBS, VDS, PSI. Các mã blue-chips trong nhóm có SSI tăng 1,74%, HCM tăng 1,5%, VCI tăng 1,13%, VND tăng 0,64%.
Điểm sáng nữa là nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng những ngày cuối cùng. Chiều nay khối ngoại giải ngân sàn HoSE tương đương phiên sáng, nhưng bán ra yếu hơn nhiều. Nhờ đó giá trị mua ròng đạt 229,5 tỷ đồng trong khi cuối phiên sáng mới mua ròng chừng 80 tỷ đồng.
CTG tiếp tục được mua mạnh, mức ròng tăng thêm hơn 50 tỷ đồng nữa buổi chiều, nâng tổng giá trị mua ròng cả ngày đạt 102 tỷ đồng. Tuy vậy CTG là một trong những mã yếu chiều nay, giá trượt dốc dần dù chốt phiên vẫn trên tham chiếu 0,74%. Khoảng 40% thanh khoản của CTG hôm nay là do nhà đầu tư nước ngoài mua vào. KDH, VRE là hai mã duy nhất còn lại được mua ròng vượt 20 tỷ đồng. Phía bán có MSN với hơn 33 tỷ đồng. GEX là cổ phiếu duy nhất trong số còn lại bị bán ròng quá 20 tỷ.