Bộ Xây dựng vừa gửi văn bản đề xuất Thủ tướng về việc cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiếp tục hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (tháp Vicem) tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội để đưa vào kinh doanh, khai thác.
Theo Bộ Xây dựng, đây là đề nghị của Vicem về chủ trương hồi sinh tòa tháp sau nhiều năm dừng xây dựng, bỏ hoang.
Trước đó, tòa nhà được Hội đồng thành viên Vicem quyết định đầu tư vào tháng 9/2010 nhằm mục tiêu xây dựng trụ sở làm việc của Tổng công ty Xi măng Việt Nam và các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại.
Tòa tháp được xây dựng trên khu đất rộng hơn 8.500 m2, diện tích xây dựng là 2.800 m2, công trình gồm 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, nằm trên mặt đường vành đai 3 (đường Phạm Hùng), cạnh tòa nhà Keangnam Landmark.
Dự án được khởi công vào năm 2011 và dự kiến sẽ hoàn thành sau khoảng 3 năm. Tuy nhiên, dự án đã bị chậm tiến độ, sau đó được lùi thời hạn đi vào hoạt động sang cuối năm 2017. Tổng mức đầu tư ban đầu gần 1.952 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng lên hơn 2.743 tỉ đồng (tăng thêm gần 800 tỉ đồng).
Sau khi dự án tháp Vicem bị chậm tiến độ và đội vốn, Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng cho phép lập phương án, tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng, mong muốn hoàn vốn đầu tư.
Tháng 8/2016, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng và được chấp thuận chủ trương cho phép Vicem chuyển nhượng dự án tháp Vicem vào tháng 3/2017.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các bước chuyển nhượng dự án tháp Vicem gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan pháp luật về đầu tư; đất đai; việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và các pháp luật liên quan; thị trường bất động sản trầm lắng…
Như vậy, kể từ khi hoàn thành phần thô công trình (vào năm 2015), đến nay sau 8 năm, tòa tháp Vincem vẫn nằm trơ khung xương bê tông, “đắp chiếu” bỏ hoang.
Do đó, Tổng công ty Xi măng Việt Nam đề nghị được tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án tháp Vicem. Nếu được chấp thuận, Vicem sẽ rà soát lại dự án cho phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, tuân thủ pháp luật.
Sau khi nhận được báo cáo đề xuất của Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và UBND Thành phố Hà Nội đề nghị cho ý kiến để làm cơ sở trình Thủ tướng xem xét, quyết định.