June 06, 2023 | 14:06 GMT+7

Việc phi công xin thôi việc đe dọa nghiêm trọng kế hoạch phát triển đội tàu bay của VNA

Phúc Minh -

Việc phi công xin thôi việc, chuyển nhà khai thác khác, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 đe dọa nghiêm trọng đến kế hoạch phát triển đội tàu bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), do các phi công Việt Nam xin chấm dứt chủ yếu là những phi công là giáo viên, lái chính có nhiều năm kinh nghiệm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định Dự thảo Nghị định 87/2021/NĐ-CP ngày 29/9/2021 của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Dự thảo Nghị định do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng và gửi xin ý kiến.

Trong văn bản góp ý của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) do Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đặng Ngọc Hòa ký, cho biết theo Nghị định 20/2020/NĐ-CP, khi xác định đơn giá tiền lương khoán năm 2020, VNA được tính bù chênh lệch tiền lương của phi công là người Việt Nam mà công ty trả thấp hơn so với phi công là người nước ngoài.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, VNA không thỏa mãn điều kiện về lợi nhuận để được tính bổ sung phần chênh lệch tiền lương của phi công Việt Nam và phi công nước ngoài. Vì vậy, có sự chênh lệch khá lớn về mức tiền lương giữa phi công Việt Nam và phi công nước ngoài của VNA (cùng chức danh, đội bay, thực hiện cùng nhiệm vụ) và với phi công của các Hãng hàng không trong nước.

Theo Chủ tịch VNA, chênh lệch lương với thị trường lao động dẫn đến số phi công Việt Nam chấm dứt hợp đồng lao động với VNA giai đoạn 2018 - 2022 là 154 người. Khi thị trường hàng không phục hồi hậu Covid-19, con số này còn tiếp tục gia tăng nếu VNA không có động thái tích cực để giữ chân người lao động.

Hết quý 1/2023, đã có thêm 8 phi công Việt Nam xin chấm dứt hợp đồng lao động với VNA. “Việc phi công xin thôi việc, chuyển nhà khai thác khác, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 đe dọa nghiêm trọng đến kế hoạch phát triển đội tàu bay của VNA do các phi công Việt Nam xin chấm dứt chủ yếu là giáo viên, lái chính có nhiều năm kinh nghiệm”, Chủ tịch VNA thông tin.

Đề đảm bảo giữ chân, thu hút lao động phi công Việt Nam, góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của VNA, lãnh đạo VNA cho rằng, việc xây dựng cơ chế bù chênh lệch lương giữa phi công Việt Nam và phi công nước ngoài bay cho VNA là cấp thiết, vì vậy, việc ban hành Nghị định bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP của Chính phủ rất quan trọng và cần thiết đối với VNA.

Cũng góp ý vào dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ cho biết, theo báo cáo của VNA thì từ năm 2020, đơn vị này phấn đấu chi trả tiền lương phi công Việt Nam tiệm cận mức chi trả đối với phi công nước ngoài (tối đa 90%); phi công nước ngoài được thuê qua dịch vụ của Công ty cung ứng nhân lực khác và chi phí nhân công của 1 phi công nước ngoài bao gồm lương, phí dịch vụ, bảo hiểm, đào tạo..., song chưa nêu rõ được tiền lương bình quân thực tế của phi công nước ngoài.

Do đó, để có cơ sở xác định việc bổ sung tiền lương để trả thêm cho phi công là người Việt Nam, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung nội dung này trong dự thảo để làm rõ tiền lương bình quân thực tế của phi công nước ngoài tại VNA và trên thị trường lao động hiện nay; thu nhập bình quân (gồm tiền lương và tiền thưởng) của phi công là người Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề nghị tỷ lệ chi trả tiền lương phi công Việt Nam so với phi công nước ngoài cho phù hợp.

Trong báo cáo gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, VNA cho biết, từ năm 2014 khi các hãng Hàng không đối thủ tại Việt Nam cạnh tranh thu hút nguồn lực, VNA liên tục điều chỉnh tăng lương hàng năm đối với lao động chất lượng cao, đặc biệt, mức tăng lương dành cho phi công là người Việt Nam cao hơn nhiều so với mức tăng lương của tiếp viên cơ hữu và lao động mặt đất còn lại.

Giai đoạn 2018-2022, tiền lương bình quân của phi công là người Việt Nam luôn gấp từ 3-5,3 lần tiền lương bình quân của tiếp viên người Việt Nam cơ hữu và lao động mặt đất còn lại, gấp từ 2,2-3,4 lần tiền lương bình quân chung của người lao động VNA.

Mặc dù VNA luôn dành sự ưu tiên cải thiện thu nhập đôi với phi công Việt Nam, nhưng do việc xác định quỹ tiền lương của VNA bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện, quy định của Nhà nước nên nguồn quỹ tính theo quy định chưa đủ để trả mức lương thu hút, giữ chân nguồn lực đặc thù.

Nếu tăng lương đối với phi công Việt Nam bằng thị trường thì không còn đủ nguồn quỹ tiền lương chi trả mức lương giữ chân lực lượng lao động quản lý, kỹ sư, chuyên viên có trình độ năng lực giỏi còn lại của VNA.

Bên cạnh đó, VNA luôn phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về nguồn lực phi công do sức hút từ mức thu nhập rất cao của đối thủ cạnh tranh (do các Hãng không bị ràng buộc bởi các quy định Nhà nước và hoàn toàn trả lương theo cơ chế thị trường đối với các vị trí lao động đặc thù).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate