Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Luật Đất đai năm 2013 sau gần 8 năm tổ chức thi hành đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng đối với việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, đóng góp tích cực để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, Luật cũng bộ lộ nhiều bất cập, hạn chế, vì vậy việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 là hết sức cần thiết.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua luật là ví dụ sinh động nhất đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan; đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật…
Việc sửa đổi Luật Đất đai phải có sự cố gắng gấp bội mới đáp ứng yêu cầu. Tuy lần đầu thảo luận nhưng được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị công phu nên dù là luật khó nhưng không có nghĩa không hoàn thành. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, quá trình sửa đổi luật phải bám sát chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18-NQ/TW, từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, chứ không nhắc lại tinh thần và lời văn của Nghị quyết.
Đồng thời lưu ý những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật mà chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, có quyết sách của Trung ương.
Về quan điểm xây dựng luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định về pháp luật đất đai qua các thời kỳ, được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt, được Trung ương khẳng định.
Sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của từng chủ thể. Quá trình xây dựng luật cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính chất công với quan hệ đất đai mang tính chất tư.
Đối với giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề khó nhất nên cần có quy định để vận hành được trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, vai trò của HĐND, UBND, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào… phải xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cũng đưa ra ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ, dự án luật của Chính phủ, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo. Đồng thời bày tỏ sự thống nhất việc cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai và cho rằng đây là vấn đề mà người dân, xã hội rất mong đợi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị rà soát kỹ các luật liên quan đến Luật Đất đai, hướng xử lý nếu trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đất đai với luật khác; xác định thứ tự ưu tiên, nguyên tắc áp dụng pháp luật như thế nào để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.