December 21, 2022 | 16:36 GMT+7

Việt Nam có Liên minh Sáng tạo Nội dung số

Thủy Diệu -

Ngày 21/12/2022, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã ra mắt Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) và Tổng đài 1900.2685 tiếp nhận khai báo vi phạm bản quyền (DCC AutoListening)…

Ban điều hành Liên minh Sáng tạo nội dung số: Ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch (đứng giữa), ông Hoàng Đình Chung (Phó Chủ tịch thường trực - thứ 2 từ phải sang), bà Quyên Phạm (Phó Chủ tịch - Tổng thư ký, ngoài cùng bên trái).
Ban điều hành Liên minh Sáng tạo nội dung số: Ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch (đứng giữa), ông Hoàng Đình Chung (Phó Chủ tịch thường trực - thứ 2 từ phải sang), bà Quyên Phạm (Phó Chủ tịch - Tổng thư ký, ngoài cùng bên trái).

Liên minh Sáng tạo nội dung số (Digital Content Creation Alliance - DCCA) là đơn vị trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA).

Là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam về Sáng tạo nội dung số, Liên minh Sáng tạo nội dung số hướng tới mục tiêu tập hợp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có chung lý tưởng, chung mục tiêu phát triển, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; các sản phẩm nội dung “Make in Vietnam” không chỉ phục vụ cho thị trường Việt Nam mà còn cung cấp ra toàn thế giới.

Theo Hội Truyền thông số Việt Nam, sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế Internet, cùng với số lượng người dùng mạng xã hội của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng đã thúc đẩy những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng toàn cầu như YouTube, Facebook, TikTok… ngày càng đông đảo, đưa ngành công nghiệp nội dung số trở thành một xu hướng phát triển mới.

Các loại hình dịch vụ nội dung số đang phát triển mạnh mẽ trong các năm gần đây có thể kể đến như: Giải trí số (phim số, ảnh số, nhạc số); game online, gameshow, nội dung tương tác; giáo dục trực tuyến, thể thao trực tuyến; quảng cáo số…

Ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để những cá nhân, tổ chức kinh doanh vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì các nhà sáng tạo cần có tư duy chiến lược về kinh tế số, cần phải chuyên nghiệp hóa khâu quản lý, vận hành doanh nghiệp.

Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số, và các nền tảng dịch vụ trung gian đa quốc gia, giúp cho hoạt động sản xuất nội dung số ngày càng phát triển mạnh mẽ góp phần đưa công nghiệp nội dung số là một trụ cột quan trọng của công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông.

Dù vậy, hiện nay, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số hoạt động phân tán, thiếu các định hướng xây dựng các mô hình doanh nghiệp bền vững, thực trạng nhận thức về bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ, và luật pháp quốc tế chưa cao, hình thành nên cộng đồng có độ tín nhiệm thấp trên môi trường kinh doanh quốc tế và trong mắt các nền tảng số đa quốc gia. Trong khi chưa có một tổ chức như Hội, Hiệp hội đại diện cho lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù này.

Trước thực tế trên, Hội Truyền thông số Việt Nam, cho rằng đã đến lúc phải hình thành một tổ chức nhằm mục đích tập hợp và kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh về sáng tạo nội dung số trong và ngoài nước. Các thành viên sẽ hợp lực, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài, chia sẻ kiến thức về nền kinh tế số.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam là ông Tạ Mạnh Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sconnect Việt Nam. Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, là Phó Chủ nhiệm thường trực.

Đối với Tổng đài 1900.2685 tiếp nhận khai báo vi phạm bản quyền. Tổng đài 1900.2685 ra đời sẽ tiếp nhận các thông tin báo cáo, phản ánh vi phạm bản quyền từ các cá nhân, tổ chức. Tổng đài sẽ có bộ phận hỗ trợ tiếp nhận thông tin và hướng dẫn cá nhân, tổ chức khai báo cung cấp bằng chứng vi phạm đúng cách.

Thông tin cung cấp sẽ được chuyển tới các đơn vị có thẩm quyền để kiểm tra, giải quyết và xử lý vi phạm (nếu có). Kết quả sẽ được thông báo lại cho cá nhân, đơn vị khai báo sau khi vi phạm được xử lý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate