April 06, 2023 | 17:00 GMT+7

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp dược liệu

Nhật Dương -

Việt Nam có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành công nghiệp cho năng suất cao, không chỉ phục vụ sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi...

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các bên liên quan phối hợp chặt chẽ để triển khai đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Ảnh - Khánh Phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các bên liên quan phối hợp chặt chẽ để triển khai đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Ảnh - Khánh Phương.

Thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Tập huấn Sổ Tay Hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, ngày 6/4. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Thực hiện theo Nghị quyết số 68/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã bố trí hơn 137.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên những địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, đây là dự án đầu tiên về phát triển dược liệu trong nước được Chính phủ quan tâm đầu tư để nhằm phát triển tiềm năng lợi thế gắn với phát triển kinh tế xã hội thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có nội dung 2: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc tiểu dự án 2.

Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế và đại diện Ủy ban Dân tộc, các bộ ngành liên quan cùng các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, giải đáp vướng mắc liên quan đến triển khai nội dung phát triển vùng trồng dược liệu quý tại 21 tỉnh thành phố.

Hội nghị cũng nghe bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó trưởng phòng quản lý Dược cổ truyền, Cục quản lý Y, Dược cổ truyền và các giảng viên phổ biến nội dung sổ tay hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 về hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ dược liệu.

Đây là những cơ sở để giúp các địa phương, doanh nghiệp và người dân thực hiện các nguyên tắc, nội dung, quy trình hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Ngoài nội dung hướng dẫn hỗ trợ phát triển sản xuất, Sổ tay còn bổ sung hướng dẫn về đảm bảo nuôi trồng, sơ chế chế biến, sản xuất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới; định hướng xây dựng và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước nâng cao giá trị dược liệu, thu nhập từ hoạt động sản xuất và góp phần phát triển bền vững dược liệu trong nước.

Hội nghị cũng nghe báo tổng hợp kết quả khảo sát các địa bàn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia của Viện Dược liệu; nghe Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia - Ủy Ban Dân tộc trình bày tổng quan Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025...

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Theo điều tra về nguồn gen dược liệu Việt Nam hiện nay có 5.117 loài, trong đó có nhiều loại dược liệu quý hiếm. Ngoài ra vốn tri thức về y học cổ truyển của dân tộc có rất nhiều bài thuốc và dược liệu chăm sóc sức khỏe quý và lâu năm.

Tổng giá trị thị trường của dược liệu nước ta sử dụng hàng năm ước tính hơn 400 triệu USD/năm.

Việt Nam được đánh giá có rất nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành công nghiệp cho lại năng suất cao không chỉ phục vụ cho sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate