Khi kinh doanh vận tải không thể cạnh tranh đường dài với máy bay giá rẻ thì lâu nay du lịch đường sắt được ví như "công chúa ngủ quên trong rừng". Phần lớn, các công ty du lịch mới chỉ dừng ở việc thuê nguyên toa, chưa có đoàn tàu du lịch đúng nghĩa như các hãng hàng không đã làm, đây là thời điểm tốt để đường sắt đánh thức tiềm năng này, bắt đầu thay đổi tư duy kinh doanh.
NHỮNG TRẢI NGHIỆM MỚI LẠ
Sáng 3/3, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.Đà Nẵng cho biết 2 địa phương TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã thống nhất cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mở dịch vụ tàu lửa du lịch theo hướng trải nghiệm cung đường và dịch vụ du lịch trên cung đường giữa hai điểm đến Huế và Đà Nẵng và điểm đến du lịch Lăng Cô. Từ đó, hai tỉnh, thành cũng như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất đưa đoàn tàu hoạt động dự kiến vào cuối tháng 3 này.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh thực hiện việc khảo sát trên 400 khách và người dân tại Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng để tìm hiểu những mong muốn, các yêu cầu của người dân khi đi lại hoặc trải nghiệm tuyến đường sắt Huế - Đà Nẵng. Vấn đề này cũng đã thu hút sự quan tâm của Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế cùng hơn 20 doanh nghiệp lữ hành, ẩm thực để đề xuất các các dịch vụ bổ sung và các trải nghiệm trên tàu.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho rằng đây là dịch vụ rất phù hợp cho đối tượng du khách trải nghiệm cùng gia đình, giúp khách du lịch ngắm phong cảnh núi non, bờ biển… Lợi thế của việc vận chuyển hành khách bằng đường sắt tại tuyến này là hai ga Huế và Đà Nẵng đều nằm trong trung tâm thành phố, lưu lượng lớn khách trong và ngoài nước có nhu cầu di chuyển 2 chiều, thuận tiện cho hành khách đi lại.
Trước đó, Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn đã thành công cho thử nghiệm chương trình biểu diễn âm nhạc (đàn violin, guitar) do các nghệ sỹ chuyên nghiệp thực hiện trong suốt hành trình của tuyến tàu du lịch từ ga Đà Lạt đi Trại Mát và ngược lại. Hiện mỗi ngày, đường sắt tổ chức chạy 4 chuyển Đà Lạt- Trại Mát, trong đó có khá nhiều khách du lịch Hàn Quốc. Trên hành trình Đà Lạt- Trại Mát dài 7km, khoảng 250 hành khách được thưởng thức 7 - 8 bài hát, bản nhạc về Đà Lạt hoặc các bản nhạc nổi tiếng khác theo yêu cầu.
Mới đây, tại Hà Nội, ngành đường sắt đã phối hợp với Sở Văn hóa Thế thao Hà Nội tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với tâm điểm là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên). Chỉ trong 10 ngày tổ chức đã có 125.000 người đến với sự kiện độc đáo này. “Hiện rất nhiều công ty du lịch tại Hà Nội đang quan tâm đến việc khai thác chuyến tàu di sản chạy đường vòng bắc Hồng, qua cầu Thăng Long, cầu Long Biên. Nếu tổ chức thành công, du lịch Hà Nội sẽ có thêm sản phẩm độc đáo cho khách quốc tế”, Tổng giám đốc Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp chia sẻ.
Hồi giữa tháng 10/2023, ngành đường sắt đã chính thức khai trương "đoàn tàu 5 sao" Hà Nội - Đà Nẵng SE19/SE20 thành công cả về mặt quảng bá thương hiệu lẫn hiệu quả kinh doanh. Đến nay, đây là loại phương tiện của rất nhiều đoàn khách du lịch châu Âu muốn đến Ninh Bình, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, với hệ số sử dụng chỗ luôn đạt 90%.
HƯỚNG TỚI DỊCH VỤ HẠNG SANG
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vào tháng 11/2023, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết: "Một số hãng thời trang, hàng hiệu nổi tiếng, trong đó có Louis Vuitton quan tâm, mong muốn tổ chức một đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội – TP.HCM phục vụ khách du lịch". Đây là mô hình “thuê nguyên chuyến” (train charter), đoàn tàu được thiết kế như một khách sạn di động, trên hành trình Hà Nội – TP.HCM có thể dừng nghỉ tại các điểm tham quan đã lên kế hoạch.
Đến cuối tháng 12/2023, ông Gary Franklin, Phó chủ tịch Công ty Belmond có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ Giao thông Vận tải đề nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét hỗ trợ đơn vị này được tổ chức khai thác, vận hành đoàn tàu đường sắt du lịch hạng sang Eastern & Oriental Express trên một số tuyến đường sắt tại Việt Nam. Hiện tại, đã có những tín hiệu tích cực cho việc vận hành này, chiểu theo Công văn số 1542/BGTVT-HTQT vừa được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải gửi ông Gary Franklin, Phó chủ tịch Công ty Belmond ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nhận định, nếu thương vụ này được triển khai thành công, sẽ là một cú hích lớn không chỉ đối với lĩnh vực vận tải hành khách bằng đường sắt, mà cả ngành du lịch cũng như các địa phương có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua. Eastern & Oriental Express là một trong những hãng tàu du lịch xa xỉ mang tính biểu tượng nhất trên thế giới. Việc gia nhập Tập đoàn LVMH vào tháng 4/2019 càng củng cố vị thế của Belmond trong việc cung cấp các dịch vụ hạng sang trên toàn thế giới.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, đơn vị và VNR cũng đang xúc tiến hợp tác triển khai Dự án tàu hỏa 5 sao xuyên Việt. Tàu được trang bị phòng gym và dụng cụ thể dục hiện đại, cho phép du khách duy trì thói quen rèn luyện ngay cả khi đang di chuyển; được trang bị một trung tâm giải trí đa chức năng, với câu lạc bộ dành cho trẻ em có dịch vụ chăm sóc trẻ em, phòng chiếu phim, chơi điện tử. Tàu có các toa thư giãn 5 sao được thiết kế để mang đến sự thoải mái và thư giãn tối đa cho du khách...
Trên thực tế, lợi thế của du lịch tàu hỏa được nhìn nhận là phương tiện di chuyển mang tính an toàn cao. Trong quá trình di chuyển, hành khách có thời gian nghỉ ngơi và tiết kiệm được thời gian; đồng thời có thể ngắm nhìn phong cảnh qua ô cửa sổ một cách bao quát nhất. Đây cũng là phương tiện di chuyển có chi phí tương đối phù hợp. Dù vậy, ngành đường sắt trước tiên cần khai thác được thế mạnh riêng có là những danh lam thắng cảnh chỉ khi đi bằng tàu hỏa mới thấy hết được vẻ đẹp để có những chương trình quảng bá thu hút du khách trong và nước.
Song song với đó, ngành cần ghi nhận những phản hồi, góp ý để tiếp tục cải tiến đem lại tiện nghi cho du khách. Những vấn đề còn tồn tại khiến du khách “ngại” đi tàu cần được cải thiện tốt hơn như tốc độ chạy tàu, tình trạng xóc lắc, chất lượng phục vụ, vấn đề vệ sinh trên tàu, dưới nhà ga… Hơn nữa, với đòi hỏi của một sản phẩm du lịch, thì sự đầu tư, chuyển đổi của đường sắt cần mạnh mẽ hơn nữa như thay đổi những toa tàu thành những khoang lưu trú tiện nghi, đưa thêm những trải nghiệm trên tàu; đưa đặc sản vùng miền vào phục vụ để du khách có thể tham gia food tour ngay trên tàu...