April 18, 2022 | 16:25 GMT+7

Việt Nam đã có gần 1,1 triệu người dùng dịch vụ Mobile Money

Nhĩ Anh -

Khoảng hơn 60% trong số đó là khách hàng ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo...

Mobile Money được xem là bước tiến quan trọng trong hoàn thiện thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Mobile Money được xem là bước tiến quan trọng trong hoàn thiện thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho biết, sau 4 tháng triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ đạt 1.096.245 khách hàng, trong đó có 659.237 khách ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, đạt 60,1%. Số lượng giao dịch đạt 8,4 triệu giao dịch với giá trị lên tới 371 tỷ đồng.

Theo thống kê, số lượng người dùng dịch vụ Mobile Money của các nhà mạng đã có bước tăng mạnh trong các tháng qua. Trong số đó, Viettel đang dẫn đầu về số lượng thuê bao di động sử dụng dịch vụ; tiếp đó là VNPT.

Cụ thể, theo báo cáo quý 1/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 3/2022, Viettel đã có 721.760 thuê bao sử dụng dịch vụ, tăng gần 152.000 thuê bao so với tháng trước đó (569.815 thuê bao). Dẫn vị trí thứ 2 trên thị trường là VNPT với 366.574 thuê bao, tăng hơn 106.000 thuê bao so với tháng 2 (260.546 thuê bao). Còn nhà mạng MobiFone có 6.586 thuê bao, tăng 2.571 thuê bao.

Việt Nam đã có gần 1,1 triệu người dùng dịch vụ Mobile Money - Ảnh 1

Việc cấp phép triển khai  thí điểm dịch vụ Mobile Money được xem là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và nghị định thay thế nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định chấp thuận cấp phép thử nghiệm Mobile Money cho các nhà mạng lớn tại Việt Nam là VNPT, MobiFone và Viettel, đưa Việt Nam chính thức trở thành quốc gia có nền tảng thanh toán Mobile Money.

Ngày 25/11, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT chính thức công bố cung cấp dịch vụ Mobile Money trên cả nước, ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thí điểm dịch vụ này. Tiếp đó, ngày 1/12, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) công bố ra mắt hệ sinh thái tài chính số Viettel Money tới toàn bộ khách hàng đang sử dụng mạng di động Viettel trên toàn quốc.

Việc nhà mạng này chính thức cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lộ trình phát triển các loại hình thanh toán không tiền mặt, cung cấp các dịch vụ mới tới người dân trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng xã hội số, công dân số.

Theo đánh giá của nhà mạng, tiềm năng của Mobile Money là vô cùng lớn khi có tới 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, nhưng các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lại chỉ tập trung ở các đô thị lớn. Việc triển khai Mobile Money sẽ đồng thời giúp đẩy mạnh quá trình số hóa tài chính ở Việt Nam, để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ tài chính. Đây là vấn đề then chốt, giúp cho mạch máu kinh tế vận động, tạo ra những cơ hội phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng và phát huy tiềm năng ở tất cả các khu vực địa lý, kinh tế.

Việt Nam đang bước vào chuyển đổi số. Một trong những vấn đề tiên quyết để chuyển đổi số thành công chính là thanh toán không dùng tiền mặt. Mobile Money giúp thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Đặc biệt trong bối cảnh Covid diễn biến phức tạp như hiện nay, Mobile Money sẽ là công cụ hữu hiệu để phục hồi và phát triển kinh tế; thúc đẩy các giao dịch diễn ra nhiều hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

 
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Khối Viễn thông (Vụ Công nghệ Thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Bưu điện Trung ương, Trung tâm Internet Việt Nam), Cục Viễn thông đặt mục tiêu năm 2022, 100% người sử dụng điện thoại di động có tài khoản Mobile Money. 
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate