August 11, 2023 | 08:20 GMT+7

Việt Nam đang “chậm chân” trong phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện?

Lê Vũ

Với sự gia tăng doanh số ô tô điện nội địa, sự tham gia tích cực của các hãng xe điện nhập khẩu và sự nở rộ của dịch vụ vận tải bằng xe điện, Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách về hạ tầng trạm sạc trong một vài năm tới.

Khởi động chính sách ưu tiên phát triển trạm sạc

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển trạm sạc tại Việt Nam chưa đủ hấp dẫn?
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển trạm sạc tại Việt Nam chưa đủ hấp dẫn. Ảnh: Lê Vũ.

Vấn đề trạm sạc bắt đầu được người dùng quan tâm nhiều hơn kể từ sau quyết định “Mỹ tiến” của VinFast hồi cuối tháng 11 năm ngoái. Những chiến lược đầy tham vọng, hiệu quả truyền thông và niềm tự hào “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đẩy doanh số ô tô điện của VinFast, bao gồm VF e34 và VF 8 lên cao đột biến. Kể từ tháng 4/2023, hai mẫu xe này bắt đầu góp mặt vào top 10 xe bán chạy nhất của tháng với doanh số khá ổn định, trái ngược với diễn biến trầm lắng của thị trường ô tô nói chung.

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), từ năm 2018 đến cuối năm 2022, cả nước có 7.780 xe ô tô điện. Kể từ đầu năm 2023 đến nay, con số này đã tăng thêm 12.285 chiếc, trong đó chủ yếu là xe điện VinFast. Bên cạnh đó, hàng loạt nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như TMT Motor, THACO, TC Motor và các hãng xe nước ngoài như OMODA, Wuling, Haima, Haval, Zhidou, Lynk & Co... đều “rục rịch” ra mắt những sản phẩm xe điện đầu tiên tại Việt Nam. Điều này cho thấy thị trường xe điện đang bước vào thời kỳ nở rộ và có thể sẽ sớm “bùng nổ” chỉ trong một vài năm tới.

Ngược lại, tình hình phát triển hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam lại không mấy khả quan. Hiện tại, chỉ có duy nhất VinFast sở hữu 150.000 cổng sạc được lắp đặt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước (số liệu từ năm 2021). Hai năm gần đây, VinFast tập trung nhiều hơn vào các dải sản phẩm mới, phát triển công nghệ pin, dịch vụ vận tải, xuất khẩu ô tô, kế hoạch IPO và xây dựng nhà máy tại Mỹ v.v... Hiện VinFast chưa đưa ra thông tin chính thức về kế hoạch mở rộng hệ thống trạm sạc giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, hãng xe điện Việt Nam khẳng định “sẽ không chia sẻ hạ tầng trạm sạc cho các hãng đối thủ dùng chung trong ít nhất 10 năm nữa”. Ngoài ra, một số doanh nghiệp ngành năng lượng đã bắt đầu triển khai các dự án xây dựng, lắp đặt trạm sạc, cổng sạc để phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy mô của các dự án này còn khá nhỏ.

Do đó, nhu cầu trạm sạc đang ngày càng trở nên bức thiết, đòi hỏi Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển xe điện tại Việt Nam. Sau thời gian khá dài nghiên cứu thị trường, tham vấn ý kiến đóng góp, đề xuất của giới chuyên gia, doanh nghiệp ngành ô tô, mới đây Bộ GTVT đã đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, trình báo cáo lên Chính phủ. Trong đó, Bộ kiến nghị Chính phủ sớm có quy định về hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo đó, các công trình đầu tư mới hoặc cải tạo lại được phép xây trụ sạc mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cần ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vay vốn sản xuất/nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh, cùng các chính sách ưu đãi về thuế, giá bán điện, nguồn cung điện để trạm sạc hoạt động...

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Tổng giám đốc Công ty CP EverEV, công ty chuyên cung cấp hạ tầng trạm sạc, nhận định, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có năng lực sản xuất, lắp đặt trạm sạc. Tuy nhiên, do hiện tại không có nhà cung cấp nội địa nên doanh nghiệp phải hợp tác với các nhà cung cấp nước ngoài. Do đó, việc hỗ trợ, ưu đãi về sản xuất, nhập khẩu thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc là điều rất cần thiết.

Việt Nam đang “chậm chân” trong phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện? - Ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Cường, TGĐ EverEV: "Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có năng lực sản xuất, lắp đặt trạm sạc. Điều quan trọng là các chính sách hỗ trợ cần sớm được thực thi". Ảnh: Lê Vũ.

Trước đó, Bộ Công Thương thực hiện lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung giá điện cho trạm sạc xe điện. Giá bán lẻ điện sẽ chia theo cấp điện áp, giờ bình thường, thấp điểm và cao điểm. Trong đó, giá thấp nhất bằng 68% giá bán lẻ điện bình quân (1.306 đồng/kWh) và cao nhất 205% giá bán lẻ điện bình quân (3.937 đồng/kWh). Các giá này chưa bao gồm thuế VAT.

“Việc áp dụng giá điện kinh doanh cho trạm sạc có ý nghĩa rất lớn. Cùng với những cập nhật mới về quy chuẩn, thủ tục xây dựng trạm sạc theo hướng đơn giản hơn so với thành lập trạm xăng chắc chắn sẽ giúp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Điều này không thể chậm trễ hơn được nữa”, ông Cường nói.

Xu hướng sạc pin tại nhà

Thực tế, không chỉ có các khách hàng mua ô tô điện nhập khẩu mà ngay cả người dùng VinFast cũng bắt đầu gặp khó khăn trong vấn đề sạc pin hàng ngày. Trên các hội, nhóm về ô tô điện, nhiều người cho rằng, sẽ không có vấn đề gì nếu thực hiện các chuyến đi ngoại tỉnh, thậm chí xuyên Việt bằng xe điện, bởi vì trạm sạc của VinFast có ở khắp các tuyến quốc lộ, trạm nghỉ chân. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người mua xe điện thì việc di chuyển trong thành phố bắt đầu nảy sinh bất cập. Đặc biệt, kể từ khi dịch vụ taxi điện ra đời và các hãng taxi đua nhau đầu tư đã dẫn đến tình trạng các điểm sạc luôn kín chỗ. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chủ xe chạy xăng nhưng đỗ xe tại vị trí sạc điện, nhưng chưa có chế tài rõ ràng để xử phạt hành vi này.

Theo nghiên cứu của EverEV, thị trường ô tô điện trong nửa cuối năm 2023 sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Khách hàng mua xe không chỉ là những người tiên phong với sở thích trải nghiệm công nghệ mà còn xuất hiện thêm 4 lớp khách hàng mới. Một là, khách hàng cá nhân, mua xe để thay thế cho chiếc xe thứ nhất. Hai là, khách hàng doanh nghiệp, mua xe để phục vụ hoạt động vận tải. Ba là, khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu tiết giảm chi phí đưa đón, vận chuyển cán bộ, nhân viên bằng ô tô. Bốn là, khách hàng doanh nghiệp kinh doanh xe buýt điện, vốn đang là “sân chơi riêng” của VinFast.

Việt Nam đang “chậm chân” trong phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện? - Ảnh 2

Nhiều người dùng đang có xu hướng mua thêm sản phẩm sạc tại nhà (Home Charger) để chủ động trong việc sạc xe điện cá nhân hàng ngày. Ảnh: EverEV.

Trong đó, nhiều khách hàng cá nhân quyết định mua thêm sạc treo tường tại nhà (Home Charger) để chủ động đi lại và tốc độ sạc nhanh hơn so với sạc di động do nhà sản xuất tặng kèm. Một số hộ gia đình không có garage hoặc điểm đỗ xe không lắp được sạc treo tường cũng nghĩ ra cách thỏa thuận với hộ gia đình khác có mặt bằng phù hợp và trả tiền theo điện năng sử dụng.

Đối với nhóm khách hàng là các hãng taxi, nhu cầu sạc pin ngày càng trở nên bức thiết. Do có số lượng đầu xe lớn lên tới hàng trăm chiếc, thời gian sạc kéo dài nên việc chờ đợi tại các điểm sạc công cộng gây thất thoát rất lớn cho doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt Home Charger, thậm chí trụ sạc nhanh trong sân bãi tập kết của hãng.

“Với một tài xế dùng VF e34 hoặc VF 5 Plus, mỗi ngày chạy khoảng 300 km, đồng nghĩa với việc phải sạc 2 lần. Do đó, nhu cầu tiết giảm thời gian sạc đối với nhóm khách hàng này là rất lớn để đảm bảo lợi nhuận”, ông Nguyễn Ngọc Cường, Tổng giám đốc EverEV cho biết.

Cũng theo đại diện EverEV, sạc pin tại nhà chỉ là một tùy chọn, không phải giải pháp căn cơ cho người dùng xe điện. Về lâu dài, vẫn cần tập trung phát triển hệ thống trạm sạc công cộng, đặc biệt là trạm sạc nhanh thì mới có tác dụng khuyến khích người dùng chuyển đổi sang ô tô điện.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate