Theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong năm 2024 đạt gần 158 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm trước.
Đáng chú ý, có khoảng 1.900 doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam ghi nhận doanh thu từ thị trường quốc tế, giảm 58% so với năm 2018. Tuy nhiên, tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp lại ghi nhận tăng 54% so với năm 2023 với 11,5 tỷ USD vào năm 2024. Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp ước tính đạt khoảng 272.000 tỷ đồng, đóng góp 43.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
NGÀNH CÔNG NGHIỆP ICT TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG
Doanh thu xuất khẩu phần cứng và điện tử ước đạt 133,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2023. Bên cạnh đó, tỷ lệ giá trị nội địa của Việt Nam trong tổng doanh thu ngành ICT ước tính đạt 31,8%, tăng 3,1% so với năm trước. Điều này cho thấy năng lực của các doanh nghiệp công nghệ nội địa đang được cải thiện, đóng góp đáng kể vào giá trị công nghệ Việt Nam.
Việt Nam hiện cũng đang giữ nhiều thứ hạng nổi bật trên toàn cầu trong năm hạng mục sản phẩm công nghệ số. Cụ thể, Việt Nam đang xếp thứ hai về xuất khẩu điện thoại thông minh, thứ năm về xuất khẩu linh kiện máy tính, thứ sáu về thiết bị máy tính, thứ tám về thiết bị và linh kiện điện tử, và thứ bảy về dịch vụ gia công phần mềm.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, năm 2019, Việt Nam đã thành lập cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số với tầm nhìn “Make in Vietnam” – chú trọng vào nghiên cứu, sáng tạo và sản xuất ngay trong nước.
Trong vòng năm năm kể từ khi khởi xướng chiến lược, ngành công nghệ số Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Tỷ lệ giá trị nội địa trong tổng doanh thu ngành ICT đã tăng gần 1,5 lần, khẳng định sự phát triển bền vững và sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu, phát triển và đổi mới, từng bước làm chủ công nghệ để tạo ra những sản phẩm kỹ thuật số mang dấu ấn Việt Nam. Những nỗ lực này không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ mà còn đóng vai trò quan trọng trong hành trình chuyển đổi số quốc gia và đưa kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển.
HOÀN THIỆN NỀN TẢNG PHÁP LÝ ĐỂ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ YÊN TÂM PHÁT TRIỂN
Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết đến năm 2025, doanh thu ngành ICT được kỳ vọng đạt 169,3 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2024. Xuất khẩu phần cứng và điện tử – lĩnh vực chủ lực của ngành dự kiến sẽ cán mốc 148,5 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm trước đó.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công nghệ tiên tiến như 5G, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây và blockchain, đang mang đến những bước chuyển mang tính cách mạng cho ngành công nghệ thông tin. Những công nghệ này không chỉ định hình lại bản chất của ngành mà còn mở ra cơ hội bứt phá cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đứng trước những thay đổi to lớn này, Việt Nam đang tích cực nắm bắt cơ hội để vươn mình trở thành trung tâm công nghệ mới của khu vực. Các doanh nghiệp trong nước đã không ngừng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng thời xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang dấu ấn Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó, nhằm đưa ngành công nghiệp công nghệ số trở thành trụ cột kinh tế quan trọng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang trong quá trình hoàn thiện Luật Công nghiệp Công nghệ Kỹ thuật số. Đây được xem là nền tảng pháp lý vững chắc, tạo động lực cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm phát triển.