) Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - VnEconomy Emagazine
Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - Ảnh 1
Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - Ảnh 2

Thưa ông, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng Việt Nam đã đi thăm một số công ty bán dẫn tại Mỹ. Các công ty này cũng đã bày tỏ mong muốn giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất chip bán dẫn lớn. Ông đánh giá như thế nào về những động thái, tín hiệu tích cực của hành trình tham gia vào lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam?

Trước hết, tôi thấy đây là một tín hiệu rất đáng mừng, một tín hiệu tích cực. Đây cũng là tiền đề và thể hiện Việt Nam đang đi đúng hướng để tiếp tục phát triển hơn nữa. Sự phát triển đầu tiên mà chúng ta có thể kỳ vọng đến từ kỹ năng, sự nhận thức và trình độ của người lao động, đặc biệt là những người kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ cao. Chúng ta có cơ sở để kỳ vọng họ sẽ được nâng cao kỹ năng và phát triển để phù hợp với sự đổi mới.

Chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden và việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ sẽ góp phần mang tới nhiều đầu tư mới vào Việt Nam và sản xuất bán dẫn có nhiều tiềm năng là một trong những lĩnh vực đó. Vậy nên, đây là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện hướng đi đúng đắn của Chính phủ Việt Nam.

Tại Qualcomm, chúng tôi tiếp tục giữ vững cam kết, hợp tác với các đối tác trong nước để cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, một bước tiến với nhiều tiềm năng đầy hứa hẹn. Qualcomm đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác để thúc đẩy thêm các sáng kiến mới, ứng dụng các giải pháp 5G vào thực tiễn tại Việt Nam.

Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - Ảnh 3

Vậy đâu là cơ hội, tiềm năng của những công ty bán dẫn ở Mỹ, trong đó có Qualcomm, tại thị trường Việt Nam, thưa ông?

Thứ nhất, Qualcomm đã có mặt tại Việt Nam được gần 20 năm. Trong hai thập kỷ qua, chúng tôi thấy rất rõ sự quyết tâm của người dân và Chính phủ đối với đổi mới, sáng tạo, và phát triển. Điều này đóng vai trò nền móng đối với quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuẩn bị cho Việt Nam sẵn sàng đón nhận và phát huy những tiềm năng mà tương lai mang đến.

Cá nhân tôi hiểu được tâm huyết của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tôi nghĩ rằng đây là một yếu tố quan trọng đang thúc đẩy sự đổi mới của Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam là nơi sản sinh ra rất nhiều lao động có tay nghề và chuyên môn cao. Việt Nam có các kỹ sư giỏi và giàu chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ đa ngành. Đây là điều cần thiết để đạt đến mục tiêu phát triển công nghệ cao, hay cụ thể hơn là sản xuất bán dẫn.

Thứ ba, ngành công nghiệp bán dẫn vẫn sẽ tiếp tục phát triển trên toàn thế giới. Nhu cầu cho bán dẫn sẽ tiếp tục tăng bởi tính ứng dụng đa lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng, y tế, giao thông, IoT...

Ba điều trên cho thấy tiềm năng lớn của Việt Nam để trở thành một phần không thể thiếu trong lĩnh vực bán dẫn, mà trong đó Chính phủ Việt Nam đã và đang có rất nhiều chính sách để hướng tới điều này.

Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - Ảnh 4

Từ sự quan tâm của các công ty, đặc biệt ở Mỹ, ông có nhìn thấy sự dịch chuyển thị phần, cơ hội từ các nước đến Việt Nam đối với lĩnh vực bán dẫn?

Đây là một quá trình mà Chính phủ Việt Nam đang quan tâm và tăng cường phát triển. Sản xuất bán dẫn là một quy trình khép kín, vì vậy đòi hỏi chuyên môn rất cao từ các kỹ sư. Điều này Việt Nam đã có sẵn, nhưng vấn đề quan trọng hơn là nuôi dưỡng nhân tài để có các kỹ sư chuyên môn cao quản lý và vận hành quy trình sản xuất phức tạp.

Việt Nam đang đóng vai trò là trung tâm trong khu vực và thu hút rất nhiều công ty đa quốc gia tới đây, vì thế, việc phát triển cơ sở hạ tầng và các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài sẽ góp phần không nhỏ để mang đến thêm nhiều phát triển mới trong tương lai.

Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - Ảnh 5

Bán dẫn là lĩnh vực rất khó và có nhiều rào cản bởi liên quan đến độc quyền về máy đúc chip, bản quyền về thiết kế, nguyên vật liệu bán dẫn… Theo ông, Việt Nam nếu muốn tham gia vào thị trường bán dẫn này, thì cách tiếp cận nào là tốt nhất, phù hợp nhất?

Tôi cho rằng con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Chính phủ Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, đây là hướng đi đúng đắn bởi nó giúp nâng cao nhận thức của người dân nói chung về tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Qualcomm đã hợp tác với nhiều công ty tại Việt Nam để phát triển thành phố thông minh, nhà máy thông minh, cùng các dự án hạ tầng khác. Tất cả những điều đó đóng vai trò nền tảng để xây dựng một Việt Nam phát triển hơn về công nghệ trong tương lai, góp phần phát triển một thế hệ mới được trang bị kiến thức và trí tuệ đáp ứng với nhu cầu của thời đại.

Khi nhắc đến việc thúc đẩy ngành công nghệ thông tin trong nước, Việt Nam đã có một kế hoạch và khung phát triển mạnh mẽ với Kế hoạch Chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước đầu quan trọng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Để tạo ra một môi trường thuận lợi giúp Việt Nam có khả năng sản xuất bán dẫn với quy trình hoàn thiện từ đầu đến cuối, cần có những cải tiến mới về cơ sở hạ tầng và nâng cao trình độ chuyên môn của lực lượng lao động. Chúng tôi lạc quan cho rằng Việt Nam sẽ đạt được những mục tiêu này, đặc biệt là nhờ vào sự hợp tác mới được thiết lập giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - Ảnh 6

Ông có cho rằng Việt Nam nên đi theo con đường xây dựng nhà máy sản xuất điện tử, trong đó có bán dẫn, như Đài Loan trước đây hay không? Tức là từ nhà máy của các công ty nước ngoài, sau đó tiến đến xây dựng thương hiệu của riêng quốc gia mình?

Mỗi quốc gia trên thế giới sẽ có giải pháp của riêng họ để phù hợp nhất với thời đại mình. Do mỗi thời mỗi khác, nên tôi nghĩ tinh thần hướng tới đổi mới sáng tạo sẽ làm kim chỉ nam trong mọi hoàn cảnh, thời đại.

Đây cũng là lý do Qualcomm tổ chức cuộc thi hàng năm mang tên QVIC, nhằm khuyến khích các startup tại Việt Nam ứng dụng công nghệ 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống và thực tiễn. Bên cạnh đó, Qualcomm cũng hợp tác nhiều đối tác tại Việt Nam như VinAI, Viettel, SonKim Land, Đại học Phenikaa... để ứng dụng và thử nghiệm nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo trên đa lĩnh vực. Đây chính là quá trình và là minh chứng cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Mỗi quốc gia sẽ có quá trình phát triển riêng, nhưng điều tôi nhận thấy là Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong khu vực, nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư từ các tập đoàn quốc tế. Đây cũng là một nền tảng khác để từ đó chúng ta nhận thấy cơ hội thúc đẩy những ý tưởng mới, những giải pháp mới và những nhà máy thông minh mới.

Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - Ảnh 7

Từ những cơ hội và tiềm năng nêu ở trên, cùng những kinh nghiệm hoạt động trên toàn cầu, theo ông, để tham gia vào “con đường bán dẫn” thì Việt Nam cần những cơ chế chính sách và điều kiện gì để nắm bắt cơ hội và tiềm năng bán dẫn này?

Như tôi đã đề cập từ trước, yếu tố thứ nhất, Việt Nam đã tập hợp đủ những điều kiện cần thiết. Cơ sở hạ tầng đang phát triển, sự hiện diện của các thành phần quốc tế bao gồm chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ và của Thủ tướng Việt Nam đến Mỹ tạo cơ hội cho nhiều cuộc trao đổi giữa các công ty và chính phủ.

Yếu tố thứ hai, nguồn nhân lực kỹ thuật cao và lành nghề. Việt Nam có rất nhiều kỹ sư giỏi và sẽ cần tiếp tục đào tạo, nuôi dưỡng thêm lực lượng kỹ sư chuyên môn cao, kèm theo thu hút nhân tài.

Yếu tố thứ ba, chính sách của Chính phủ khuyến khích đổi mới, hỗ trợ đào tạo nhân lực. Chính sách thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi số sẽ thu hút các doanh nghiệp quốc tế, mang tới thêm nhiều cơ hội chuyển mình cho Việt Nam. Với lĩnh vực bán dẫn, điều này là vô cùng quan trọng.

Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - Ảnh 8

Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Vậy theo ông, Việt Nam cần giải bài toán nguồn nhân lực bán dẫn này như thế nào?

Một lần nữa, tôi khẳng định rằng kỹ năng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia đi trước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo để áp dụng phù hợp nhất cho quốc gia.

Bên cạnh đào tạo, thu hút nhân tài cũng là một yếu tố thiết yếu. Tôi đã vô cùng bất ngờ khi được chứng kiến những ý tưởng từ QVIC Việt Nam, sau thời gian dài sinh sống tại nhiều quốc gia trong khu vực như Đài Loan, Singapore, tôi nhận thấy tiềm năng nhân lực rất lớn tại đây.

Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - Ảnh 9

Ở Việt Nam cũng có những tập đoàn lớn tham gia vào nghiên cứu bán dẫn, sản xuất chip như VNPT, Viettel, FPT, Vingroup. Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của các doanh nghiệp này trong việc phát triển bán dẫn tại Việt Nam?

Các công ty tại Việt Nam hiện nay đã thành lập nhóm nghiên cứu về công nghệ ngành bán dẫn, đó là cách tiếp cận đúng đắn và thức thời. Qualcomm cam kết hỗ trợ và sử dụng nguồn lực để giúp các đối tác của mình đưa ra những quyết định dựa trên nền tảng được phân tích và nghiên cứu.

Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam trong lĩnh vực AI và 5G để đưa các giải pháp công nghệ vào ứng dụng thực tiễn. Mặt khác, việc xây dựng nhận thức và kiến thức về bán dẫn chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiến xa trong lĩnh vực bán dẫn và phát triển các chiến lược phù hợp với tiềm năng phát triển. Với chính sách hiện tại của Chính phủ, Việt Nam đang sở hữu một tham vọng đầy thực tiễn với ngành bán dẫn, tôi thấy rất nhiều tiềm năng để đưa tham vọng này trở thành hiện thực, áp dụng những giải pháp công nghệ cao được thử nghiệm tại Việt Nam cho các quốc gia trong khu vực và thậm chí là trên toàn cầu.

Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - Ảnh 10

Với lộ trình và tiềm năng như vậy, Qualcomm có kế hoạch, chiến lược hay ý tưởng thế nào để tham gia sâu hơn vào “con đường bán dẫn” tại Việt Nam? Ông nhìn nhận thế nào về vai trò, vị trí của Việt Nam trên bản đồ ngành bán dẫn thế giới trong 3-5 năm tới?

Chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực 5G và trí tuệ nhân tạo (AI). Đầu năm nay, chúng tôi đang hợp tác với Viettel trong lĩnh vực công nghệ thông tin và hạ tầng RAN. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Viettel sử dụng nền tảng Qualcomm để phát triển Distributed Unit (DU) cho hệ thống RAN 5G của họ. Điều này sẽ giúp Viettel lập các đơn vị hỗ trợ nâng cấp nền tảng 5G.

Trong những năm qua, Qualcomm cũng đã hợp tác với các công ty như SonKim Land nhằm thúc đẩy các dự án thành phố thông minh, bao gồm hệ thống camera và an ninh an toàn. Chúng tôi cũng làm việc với Đại học Phenikka để triển khai hệ thống mạng 5G trong trường, hỗ trợ hệ thống máy tính, xe tự hành, và nhiều ứng dụng không tưởng khác...

Chúng tôi lạc quan rằng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam sẽ phát triển trong những năm tới, đặc biệt là nhờ vào sự hợp tác với Hoa Kỳ và sự đầu tư liên tục từ các công ty khác nhau tại Việt Nam trong lĩnh vực này.

Với sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đối với Kế hoạch Chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - Ảnh 11

VnEconomy 18/10/2023 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2023 phát hành ngày 16-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để dấn sâu vào ngành bán dẫn - Ảnh 12