Bên lề hội nghị “Khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, đã chia sẻ về chiến lược của Tập đoàn để đạt phát thải carbon ròng bằng 0 trong thời gian tới và xác nhận Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư ưu tiên số 1 của tập đoàn trong khu vực ASEAN.
Xin ông cho biết về những kết quả mà Tập đoàn SCG đã đạt được trong năm 2021 đầy thách thức và nửa đầu năm 2022?
Tại Việt Nam, Tập đoàn SCG hiện có ba nhóm ngành kinh doanh chủ lực:
Thứ nhất là ngành xi măng và vật liệu xây dựng bao gồm các cơ sở sản xuất gạch ốp lát tại khu vực miền Bắc và xi măng tại khu vực miền Trung.
Thứ hai là sản xuất bao bì giấy và bao bì linh hoạt.
Thứ ba là ngành hóa dầu, với sản phẩm là hạt nhựa PVC và các loại ống nhựa.
Hiện nay, SCG đang trong quá trình xây dựng dự án trọng điểm quốc gia Tổ hợp hóa dầu miền Nam (LSP) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây được xem là khoản đầu tư lớn nhất của SCG bên ngoài thị trường Thái Lan, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. SCG dự kiến sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm nay với việc bắt đầu chạy thử vào quý 4, sau đó sẽ đưa vào vận hành vào quý 1/2023.
Trong suốt hai năm qua, SCG phải đối mặt với nhiều thách thức gây ra bởi đại dịch Covid-19. Tại một số thời điểm, chúng tôi đã phải tạm ngừng các hoạt động kinh doanh, thực hiện cách ly hoặc triển khai các giải pháp để tạo điều kiện cho nhân viên làm việc và sinh hoạt ngay tại nhà máy để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, SCG rất cảm kích khi nhận được nhiều sự hỗ trợ không chỉ từ nhân viên mà còn từ Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt là chính quyền địa phương đã cung cấp các hướng dẫn cụ thể và thậm chí cấp phát vaccine cho công nhân của SCG và cả các nhà thầu để đảm bảo dự án của SCG được liên tục triển khai.
Trong xu hướng hiện nay, SCG đã và sẽ làm gì để thể hiện những cam kết cho mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 của Việt Nam, thưa ông?
Với SCG, chúng tôi cam kết sẽ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và trong quá trình đó sẽ cắt giảm 20% lượng khí thải vào năm 2030, đây là mục tiêu nằm trong chiến lược ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội và Quản trị minh bạch) mà tập đoàn đang theo đuổi.
Với cam kết đó, chúng tôi đang lên kế hoạch với nhiều hành động cụ thể để sử dụng các nguồn năng lượng hiệu quả và dần thay thế bằng các nguồn năng lượng xanh.
Kế hoạch đầu tiên chính là SCG sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ cao để giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất.
Kế hoạch thứ hai là “Go Green”: phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường từ quy trình sản xuất xanh, giúp giảm thải khí carbon trong sản xuất và tiêu thụ, ví dụ như các loại xi măng và vật liệu xây dựng mang nhãn hiệu SCG Green Choice.
Lộ trình thứ ba là giảm sự bất bình đẳng trên cơ sở sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ nâng cao năng lực không những của nhân viên, các nhà thầu và các đối tác của SCG mà còn cho cả cộng đồng.
Cuối cùng là SCG sẽ tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên cho các địa phương tại Việt Nam.
Thưa ông, mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như việc phát triển bền vững đã và đang được SCG thực hiện như thế nào tại Việt Nam?
SCG cho rằng nền kinh tế tuần hoàn chính là mô hình phù hợp và thiết thực để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững. Mô hình này gồm ba trọng tâm chính sau:
Một, sự giảm thiểu (không chỉ từ việc tiêu dùng mà còn từ quan điểm sản xuất: giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, và giảm việc sử dụng năng lượng). Hai, tái sử dụng đối với các sản phẩm có thể được tái sử dụng, người tiêu dùng nên kéo dài tuổi thọ của sản phẩm và tận dụng công năng nhiều hơn một lần; và ba, tái chế.
Không chỉ tập trung phát triển sản phẩm, SCG còn nghiên cứu tái chế sản phẩm đó để tạo ra vòng đời mới hoặc thiết kế các loại vật liệu mới để việc tái chế dễ dàng hơn.
Kinh tế tuần hoàn chính là phương thức và kế hoạch hành động phù hợp để chúng ta đạt được các cam kết về phát thải các-bon ròng bằng 0 (Net Zero) ở cấp độ doanh nghiệp và quốc gia.
Ông có đề cập đến dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam (LSP) dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Theo ông, dự án này sẽ đóng góp như thế nào vào hoạt động của SCG tại Việt Nam?
Các sản phẩm từ hóa dầu là vật liệu trung gian quan trọng cho các ngành công nghiệp hạ nguồn như sản xuất ô tô, thiết bị chăm sóc sức khỏe và vật liệu cơ sở hạ tầng như đường ống… LSP là dự án đầu tiên trong lĩnh vực hóa dầu tại Việt Nam, vì vậy chúng tôi rất kỳ vọng đây sẽ là nền tảng vững chắc cho quá trình sản xuất sản phẩm hạ nguồn cho nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chúng tôi đang cố gắng để triển khai dự án đúng tiến độ. Bên cạnh đó, SCG luôn quan niệm rằng kinh doanh thành công luôn đảm bảo yếu tố an toàn, vì vậy chúng tôi ưu tiên các giải pháp về an toàn và sau đó mới có thể bắt đầu sản xuất, thương mại hóa.
Ông có thể cho biết kế hoạch của SCG trong năm 2022 và những năm sắp tới tại Việt Nam cụ thể sẽ là gì?
Hiện SCG đang triển khai một số dự án nổi bật tại Việt Nam, điển hình là dự án trọng điểm Tổ hợp hóa dầu Miền Nam (LSP). Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ mở rộng việc sản xuất kinh doanh bao bì ở khu vực phía Bắc gần Hà Nội.
Bên cạnh những dự án đó, SCG cố gắng không chỉ tăng cường việc giảm thiểu sử dụng năng lượng mà còn sẽ tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới như sản phẩm xi măng carbon thấp cho thị trường miền Trung Việt Nam. SCG hy vọng tiến độ của các dự án sẽ được đẩy nhanh hơn nữa trong thời gian tới.
Với tình hình kinh tế nhiều tiềm năng như hiện tại, SCG thực sự rất lạc quan về tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp nội địa.
Cuối cùng, tôi xin xác nhận rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên của SCG trong khu vực ASEAN.