Lạm phát tăng cao đi kèm với các dấu hiệu suy thoái kinh tế tại Mỹ và Châu Âu đã và đang phủ lên bức tranh thị trường bất động sản toàn cầu gam màu ảm đạm. Tuy nhiên, tại một số thị trường tại Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam, câu chuyện phát triển và những điểm sáng của thị trường vẫn có thể tìm thấy.
VIỆT NAM: ĐIỂM ĐẾN CỦA THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ VÀ CÔNG NGHIỆP
Theo Savills Prospects, 3 quốc gia có triển vọng nổi bật nhất trong khu vực hiện nay có thể kể đến Việt Nam, Singapore và Nhật Bản.
Điểm nổi trội của thị trường bất động sản Việt Nam là sự hấp dẫn của phân khúc bất động sản bán lẻ, công nghiệp và văn phòng.
Nhận định về thị trường bán lẻ, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, cho biết Việt Nam được coi là thị trường trọng yếu trong việc mở rộng quy mô cửa hàng trong các năm tới của các nhãn hàng chuyên về thời trang, mỹ phẩm, đồ thể thao đến từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia.
Tại thị trường cho thuê thương mại, dữ liệu của Savills trong quý 3/2022 cho thấy giá thuê văn phòng và bán lẻ tại khu vực trung tâm thành phố Hà Nội và TP.HCM vẫn ghi nhận xu hướng tăng.
Về phân khúc văn phòng, bà Nguyệt Minh cho rằng, dù các doanh nghiệp thắt chặt chi phí văn phòng do ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, nhưng nguồn cầu văn phòng phân khúc giá 25 – 30 USD (chưa bao gồm phí dịch vụ) sẽ tăng mạnh. Thêm vào đó, một số lượng lớn các tòa nhà hạng A gia nhập thị trường Hà Nội trong năm tới cũng sẽ thúc đẩy hoạt động cho thuê trở nên sôi động hơn.
Đối với bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực này và logistics, nhằm đa dạng hóa hoạt động trong chiến lược “Trung Quốc + 1”.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành, Savills Việt Nam, cho biết Việt Nam đang trên đà tăng trưởng vào năm 2022, với vốn đầu tư FDI ngày càng tăng và nội tại nền kinh tế trong nước mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra một loạt biện pháp nhằm cải thiện tính minh bạch của thị trường bất động sản. Điều này là dấu hiệu tốt, tạo tiền đề cho việc thanh khoản và các hoạt động đầu tư trong tương lai. Đồng thời, cơ sở hạ tầng cũng được quan tâm đầu tư mạnh mẽ phát triển cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy nhu cầu đầu tư trên nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, sự cải thiện trong môi trường kinh doanh đi kèm những chính sách ưu đãi đầu tư từ chính phủ đang thúc đẩy sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Trong khi một số nhà đầu tư trong nước gặp khó khăn do tín dụng bị thắt chặt, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng. Ví dụ, trong đầu năm nay, CapitaLand của Singapore đã công bố kế hoạch phát triển dự án phức hợp tổng đầu tư 1 tỷ USD với quy mô 8 ha, dự kiến cung cấp hơn 1.100 căn hộ và shophouse cao cấp tại TP.HCM.
SINGAPORE: CHO THUÊ NHÀ Ở TĂNG
Báo cáo của MSCI Real Assets cho thấy, trong ba quý đầu năm 2022, tổng giá trị các giao dịch đầu tư bất động sản tại Singapore đã đạt mức 9,1 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2022.
Bất chấp những lo ngại về kinh tế toàn cầu, báo cáo Savills Prospects chỉ ra rằng giá thuê văn phòng ở khu vực trung tâm tại Singapore vẫn tăng, với tỷ lệ trống giảm. Nhu cầu thuê văn phòng tại đây chủ yếu đến từ các doanh nghiệp công nghệ, một ngành vốn đã chiếm tỷ trọng khách thuê lớn tại quốc gia này.
Ngoài ra, các hoạt động cho thuê nhà ở tại Singapore đang bùng nổ, với chỉ số giá thuê theo ghi nhận của Savills Prospects cho thấy đã tăng 8,6% theo quý trong quý 3/2022, mức tăng hàng quý cao nhất trong 15 năm.
Ông Alan Cheong, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Singapore, nhận định bất chấp các biến động kinh tế toàn cầu, giá thuê bất động sản công nghiệp tại Singapore vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá trong năm 2023.
Vị chuyên gia này đồng thời cho biết, giá thuê kho bãi tại Singapore trong quý 3/2022 đã ghi nhận mức tăng 2,8% so với quý trước đó.
NHẬT BẢN: NHÀ Ở ĐƯỢC QUAN TÂM MẠNH
Ông Tetsuya Kaneko, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Nhật Bản, cho biết Nhật Bản tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhờ lãi suất ở mức thấp. Lĩnh vực hậu cần và nhà ở cho gia đình đa thế hệ là những phân khúc được quan tâm. Sự phục hồi của phân khúc văn phòng và khách sạn cũng là yếu tố khiến thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.
Nhà ở dành cho gia đình đa thế hệ được coi là một trong những phân khúc có khả năng phục hồi nhanh chóng trong giai đoạn bất ổn; đây cũng là điểm khiến phân khúc này trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Dữ liệu từ MSCI Real Assets cho thấy, trong năm năm qua, 4/5 nhà đầu tư phân khúc này tại Nhật bản là nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Blackstone Group, Allianz Real Estate, AXA IM và Nuveen, với tổng giá trị đầu tư ước tính khoảng 800 tỷ Yen (tương đương với 5,75 tỷ USD).
Đáng chú ý, trong cuộc đấu giá mua lại cổ phần của Bộ Tài chính Nhật Bản trong tòa nhà văn phòng Otemachi Place tại Tokyo, phần lớn các doanh nghiệp đấu giá đều là các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một tập đoàn trong nước đã trả giá cao hơn các nhà đầu tư nước ngoài để mua lại tòa nhà này với mức giá 436,4 tỷ Yen (tương đương 3,13 tỷ USD).
Trong khi các nhà đầu tư bất động sản khắp nơi trên thế giới phải đối mặt với chi phí tài chính gia tăng, Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản vẫn có động thái duy trì lãi suất ở mức thấp. Thêm vào đó, việc suy yếu của đồng Yen đã khiến bất động sản tại Nhật trở nên vừa túi tiền hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhìn chung, ông Simon Smith, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Châu Á Thái Bình Dương, cho biết Việt Nam, Singapore và Nhật Bản là một trong số những điểm sáng về thị trường bất động sản tại khu vực và cũng đồng thời là nơi có thể tìm kiếm được những câu chuyện tích cực về thị trường.
Văn phòng hạng A tại TP.HCM: Tỷ lệ lấp đầy 96%
Theo thông tin từ Cushman & Wakefield Vietnam, năm 2022, tổng nguồn cung văn phòng toàn khu vực TP.HCM lên đến 2,39 triệu m2. Chỉ số hấp thụ dương đã được ghi nhận ở cả những tòa nhà hạng A và hạng B trên toàn thị trường, trong đó tỷ lệ lấp đầy văn phòng hạng A là 96%.
Theo CBRE Việt Nam, tổng nguồn cung văn phòng ở Hà Nội đạt 1.623 triệu m2, với diện tích dự án hạng A chiếm 37% tổng nguồn cung của thành phố, tính đến cuối quý 3/2022. Tỷ lệ trống trung bình của văn phòng hạng A chỉ còn 28,2%. Tỷ lệ trống của văn phòng hạng B là 11,9%.